TP.HCM nhiều khả năng không thể đạt kế hoạch phát triển nhà ở

(PLO)- Theo UBND TP.HCM, kết quả phát triển nhà ở đạt được trong sáu tháng đầu năm 2023 là thấp nhất trong cùng kỳ các năm qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Trong sáu tháng đầu năm 2023, TP đã xây dựng mới 1,98 triệu m2 sàn nhà ở, chỉ đạt hơn 16% chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 là 12,3 triệu m2 sàn.

Bể kế hoạch phát triển nhà ở

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ năm 2021 đến tháng 6-2023, tổng diện tích xây dựng mới đạt khoảng 15,3 triệu m2. Trong khi đó, chỉ tiêu TP đưa ra cho giai đoạn 2021-2025 là 50 triệu m2. Như vậy, so với chỉ tiêu thực tế chỉ đạt hơn 30%.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra tại thời điểm cuối nhiệm kỳ, TP phải phát triển hơn 36,6 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2023-2025, tương ứng mỗi năm phát triển bình quân khoảng 12,2 triệu m2 sàn.

“Đây là con số chưa từng đạt được trong giai đoạn trước, ngay cả khi thị trường bất động sản phát triển vượt bậc. Do đó, khả năng hoàn thành chỉ tiêu phát triển 12,2 triệu m2 sàn trong từng năm còn lại là cực kỳ khó khăn” - báo cáo của UBND TP nhìn nhận.

Theo UBND TP, với kết quả phát triển nhà ở như sáu tháng đầu năm 2023 là thấp nhất trong cùng kỳ các năm qua. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay, rất khó dự báo kết quả phát triển nhà ở của TP.HCM trong giai đoạn tới.

“Kịch bản khả quan nhất là TP giữ mức phát triển nhà ở như thời điểm trước khi dịch COVID-19 diễn ra, cụ thể phát triển bình quân khoảng 9 triệu m2/năm trong ba năm còn lại. Khi đó, giai đoạn 2021-2025, dự báo TP sẽ phát triển khoảng 40 triệu m2 sàn nhà ở, tương ứng với 80% chỉ tiêu đề ra” - UBND TP nêu.

Hiện chủ yếu vẫn là nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng, nhà ở theo dự án chỉ chiếm tỉ lệ thấp với nguồn cung ngày càng giảm. Ảnh: VIỆT HOA

Hiện chủ yếu vẫn là nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng, nhà ở theo dự án chỉ chiếm tỉ lệ thấp với nguồn cung ngày càng giảm. Ảnh: VIỆT HOA

Nguyên nhân khó có thể hoàn thành kế hoạch

UBND TP cho rằng từ năm 2021 đến đầu năm 2022, do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nguồn cung nhà ở mới tại TP cực kỳ hạn chế, đặc biệt có giai đoạn TP thực hiện tăng cường giãn cách xã hội nên không có biến động lớn về lượng nhà ở trên diện rộng. Sau khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát, thị trường vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề và chậm phục hồi.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng cho rằng nguồn cung nhà ở giảm rõ rệt do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc đất, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... Điều này dẫn đến tình trạng một số cơ quan quản lý nhà nước chậm giải quyết, thiếu sự phối hợp liên thông.

“Do đó, xảy ra tình trạng khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung cho thị trường. Dự báo công tác phát triển nhà ở trong giai đoạn 2023-2025 tiếp tục chịu tác động tiêu cực bởi hàng loạt yếu tố như lạm phát của nền kinh tế, thanh khoản giảm do giá nhà đất vẫn đang ở mức khá cao so với mặt bằng chung thời gian qua” - UBND TP đánh giá.

Theo UBND TP, mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo, tổng kết, sơ kết và ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai, tuy nhiên công tác phát triển nhà ở trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa bền vững.

“Kết quả thực hiện chủ yếu vẫn là nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng, nhà ở theo dự án chỉ chiếm tỉ lệ thấp với nguồn cung ngày càng giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Thị trường dự án nhà ở chưa đa dạng về sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá thấp” - UBND TP đánh giá.

Ngoài ra, việc phát triển nhà ở hiện chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của TP. Nhiều khu vực nhà ở do người dân tự xây dựng chưa có hạ tầng được nâng cấp, đảm bảo phù hợp. Công tác quản lý vận hành, bảo trì nhà ở sau đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập, việc cấp giấy chứng nhận cho nhà ở sau khi hoàn thành còn chậm.•

Hàng ngàn dự án nằm chờ

Ở TP.HCM, thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có trên dưới cả trăm dự án cần được tháo gỡ khó khăn, pháp lý. Cả nước có khoảng 1.000 dự án phải nằm chờ việc điều chỉnh, xem xét, phê duyệt. Giá trị các dự án này khoảng 800.000 tỉ đồng (30 tỉ USD), nếu được kích hoạt trở lại sẽ tạo ra thị trường nhà ở rất lớn.

Thời gian qua, mặc dù tự thân các doanh nghiệp, môi giới bất động sản đã không ngừng cố gắng, nỗ lực để tồn tại. Hơn thế nữa, cùng với sự hỗ trợ sát sao từ phía Chính phủ thông qua việc nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tháo gỡ như ban hành các nghị định 08/2023, 10/2023, Nghị quyết 33; gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, năm quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước…

Tuy nhiên, do thị trường bị “ngấm đòn” trong thời gian dài, khiến mọi nỗ lực của tất cả phía đều mới chỉ dừng lại ở mức giúp thị trường cầm cự, chưa thể thoát khỏi trạng thái suy yếu.

Từ năm 2022 đến nay được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Không ít doanh nghiệp bất động sản lâm cảnh lao đao, phải cắt giảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, sa thải nhân viên hay ít nhất là giảm tiền lương và thu nhập của nhân viên, thậm chí không ít doanh nghiệp rơi vào thua lỗ, giải thể hay phá sản.

Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm