TP.HCM: Phân chia 'vùng xanh', 'vùng đỏ'… hợp lý chưa?

Trong Kế hoạch 2716 Triển khai công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM (từ 15-8), TP chia địa bàn thành các đơn vị “vùng nguy cơ” tương ứng các đơn vị địa lý cơ sở là tổ dân phố/tổ nhân dân, gọi nôm na là các “vùng xanh” (vùng an toàn), “vùng vàng” (nguy cơ trung bình), “vùng cam” (nguy cơ cao), và “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao).

Theo đó, các tổ dân phố, tổ nhân dân khi có từ ba hộ gia đình có ca F0 trở lên được xếp vào nhóm “vùng đỏ”; còn khi không có ca F0 mới trong vòng bảy đến trên 14 ngày thì xếp vào nhóm “cận xanh” hoặc “vùng xanh”. Tổ nào có một hộ gia đình có ca F0, nhưng không có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ thì được xem là “vùng vàng”; trong khi có hai hộ gia đình có ca F0 hoặc có một hộ gia đình có ca F0 nhưng có mối giao lưu, tiếp xúc với các hộ gia đình khác trong Tổ, thì đó là “vùng cam”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Lê Trung Chơn (ĐH Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM), người tham gia nhóm nghiên cứu về hệ thống thông tin địa lý (GIS) ứng dụng vào chống dịch COVID-19, nhận định: Ra chính sách chống dịch dựa vào vùng nguy cơ là rất đúng, thay vì dựa vào địa giới hành chính (phân chia theo tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã…). Tuy nhiên, cần phải hiểu đúng bản chất vùng nguy cơ để xác định cho đúng, từ đó gọi đúng tên và áp dụng đúng các chính sách chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Bản chất của “vùng đỏ”, “vùng xanh”…

. Phóng viên: Ông nhận xét như thế nào khi trong Kế hoạch 2716 TP đã đưa ra khái niệm về các vùng nguy cơ được biểu thị bằng các màu đỏ, cam, vàng và xanh?

+ PGS.TS Lê Trung Chơn: Tôi cho rằng việc ra chính sách chống dịch dựa vào việc nhận diện vùng nguy cơ như trong văn bản TP mới công bố là một quan điểm hợp lý. Virus lây lan không theo địa giới hành chính, cũng tương tự như các thảm họa thiên nhiên khác.

TP bao gồm nhiều quận, huyện; phường, xã với đặc thù hạ tầng, giao thông, mật độ dân số, kinh tế-xã hội, giao thương… khác nhau. Như vậy, không thể áp đặt cùng lúc tất cả các giải pháp như nhau cho tất cả các nơi nếu không đánh giá chính xác nguy cơ lây nhiễm của từng không gian địa lý. Ví dụ, khi có ổ dịch, buộc phải phong tỏa quận này thì không có nghĩa các quận khác cũng phải làm tương tự. Hay như khi số ca F0 của TP giảm mạnh, thì cũng không thể chấm dứt giãn cách xã hội cho tất cả các nơi nếu không đánh giá đúng.

Việc tiếp cận các giải pháp hay chính sách chống dịch theo vùng nguy cơ (thấp, trung bình, cao và rất cao) sẽ giúp cho công tác chống dịch chính xác và hiệu quả hơn.

. Văn bản có nhắc tới các khái niệm về các vùng nguy cơ, ví dụ các tổ dân phố, tổ nhân dân khi có từ ba hộ gia đình có ca F0 trở lên được xếp vào nhóm “vùng đỏ”… thì có hợp lý chưa, thưa ông?

+ Ở đây cần phải hiểu rõ rằng để nhận diện được các vùng nguy cơ từ rất cao đến thấp thì không phải chỉ dựa vào số ca F0 trên một đơn vị không gian địa lý. Nói cách khác, xác định một địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp thì không chỉ là dựa vào chuyện đã có ca F0 hay chưa, mà còn dựa vào các chỉ số đầu vào mang tính dự báo khác.

Chốt kiểm tra tại Công viên Gia Định (Quận Phú Nhuận) vào những ngày đầu TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, tháng 7-2021. Ảnh: NGUYỆT NHI 

Trong các chương trình hội thảo trực tuyến mà gần nhất là ngày 12-8, tôi và ThS. Bùi Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT, Sở TN&MT TP.HCM) cũng đã trình bày về cách xác định các vùng nguy cơ trên địa bàn TP bằng GIS (hệ thống thông tin địa lý) trên nền tảng Urscape. Quy trình này diễn ra trong sáu bước.

Muốn tìm hiểu mức độ nguy cơ cao thấp thì trước tiên phải định nghĩa được đối tượng gây ra nguy cơ. Với dịch COVID-19, đối tượng nguy cơ chính là sự tiếp xúc và di chuyển – hiểu nôm na: Tiếp xúc và di chuyển nhiều thì nguy cơ lây nhiễm càng cao. Như vậy, các đối tượng nguy cơ ở TP có thể xác định là các khu chợ, siêu thị, khu thương mại, khu cao ốc, chung cư, khu nhà trọ tự phát, khu dân cư có mật độ dân số cao, trường học, khu công nghiệp-chế xuất, … Phải xác định và định vị được các đối tượng nguy cơ này nằm ở vị trí nào và phân bố như thế nào với số lượng bao nhiêu trên toàn địa bàn TP.

Tiếp theo, chúng tôi chia toàn bộ địa bàn TP thành các ô vuông 100m x 100m (diện tích 1 ha). Khi đó, bản đồ TP như là một tấm lưới rộng lớn. Dựa vào mạng lưới ô vuông này chúng ta lượng hóa các đối tượng nguy cơ trong từng ô vuông thông qua việc phân tích không gian địa lý.

Sau đó, chúng ta sẽ có chỉ số đặc trưng của từng ô vuông (hay từng vùng địa lý), từ đó trình diễn trên GIS và Urscape. Bằng cách này, chúng ta hiển thị toàn bộ các vùng nguy cơ  bằng các màu khác nhau (xanh, vàng, cam, đỏ) để mô phỏng từng mức độ nguy cơ tương ứng (từ thấp, trung bình, cao và rất cao). Như vậy, bản chất của các vùng “xanh”, “vàng”, “cam” hay “đỏ” chính là nguy cơ lây nhiễm được tính toán bằng nhiều yếu tố đầu vào mang tính tiếp xúc và di chuyển của con người, chứ không đơn thuần chỉ số ca F0.

Ý nghĩa chính sách?

. Việc chia vùng xanh, đỏ… ở phạm vi tổ dân phố như vậy có phù hợp không, và việc chia vùng nguy cơ như vậy có ý nghĩa gì cho xây dựng chính sách chống dịch?

+ Chúng ta nên dựa vào bản đồ vùng nguy cơ (các ô vuông hiển thị các mức độ nguy cơ khác nhau) để xác định xem tổ dân phố/phường/quận nào đó tương ứng đang nằm ở mức độ nguy cơ nào. Tuy nhiên, cần lưu ý là khi xác định được một tổ dân phố hay phường, quận nào đó đang trong trạng thái xanh, vàng, cam hay đỏ thì điều quan trọng không kém là xác định trạng thái của các khu vực lân cận. Ngoài ra, còn phải xác định các yếu tố khác, như điều kiện kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị tại từng khu vực để có thể ra quyết sách chống dịch tối ưu nhất có thể.

Tôi nói ví dụ, nếu bản đồ hiển thị khu vực tổ dân phố A đang trong màu xanh, và xung quanh cũng là các tổ dân phố màu xanh, thì tức đó là vùng an toàn với nguy cơ lây nhiễm thấp. Khi đó, chính quyền có thể nới lỏng diện rộng để người dân làm ăn, sinh sống bình thường giữa các vùng xanh với nhau. Nhưng nếu tổ A giáp với vùng màu vàng, thì phải kiểm soát và hạn chế đi lại với các vùng xung quanh để kiểm soát lây nhiễm. Tương tự, nếu tổ A đang là màu vàng, thì người dân chỉ nên đi lại nội vùng; còn nếu màu đỏ thì xác định ngay là phải giãn cách, ai ở đâu thì ở yên chỗ đó. 

Ý nghĩa của việc nhận diện vùng nguy cơ nằm ở chỗ chúng ta có thể dự báo tình hình dịch bệnh để có biện pháp tiêm vaccine, xét nghiệm tầm soát, chuẩn bị hạ tầng y tế (ví dụ xây bệnh viện dã chiến), áp dụng chính sách giãn cách, điều tiết giao thông… cho phù hợp.

Ví dụ, nếu dịch bùng phát mà TP muốn xây gấp một bệnh viện dã chiến với các yêu cầu như phải có khoảng cách với khu dân cư (để an toàn), phải gần đường giao thông, có thể dễ tiếp cận các khu vực nguy cơ rất cao (để kịp thời cấp cứu)… thì nếu có bản đồ phân vùng nguy cơ, “bài toán” trên có thể được giải một cách thuận lợi, kịp thời hơn rất nhiều.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt và hướng dẫn người dân điền thông tin tiêm vaccine tại điểm tiêm. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Như vậy, khi xây dựng bản đồ vùng nguy cơ thì vai trò của các đơn vị quản lý hành chính là như thế nào, thưa ông?

+ Vai trò của các đơn vị quản lý hành chính đó là xem địa phương mình đang ở trạng thái nào (đỏ, cam, vàng hay xanh) để có chính sách và thực hiện chính sách phù hợp. Nếu vùng nguy cơ bao trùm một phường, thì phường phải có trách nhiệm; nếu bao trùm một quận thì chính quyền quận phải đóng vai trò chính; và nếu cả TP thì chính quyền TP phải có đối sách. Thực tế, tôi cho rằng cần có một bản đồ vùng nguy cơ cho cả khu vực phía Nam, để TP.HCM và các tình có thể phối hợp một cách có hệ thống và tổng thể chống dịch hiệu quả.

Hiện nay, GIS cùng với công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… có thể tạo ra những mô phỏng, dự báo tiệm cận độ chính xác cao nhất. Đó sẽ là tín hiệu rất đáng mừng để người làm chính sách cân nhắc chiến lược và chiến thuật chống dịch.     

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm