TP.HCM phát hiện khoảng 50% điểm giám sát sốt xuất huyết có lăng quăng

(PLO)- Theo giám sát của HCDC, trên địa bàn TP.HCM cứ 100 điểm sẽ có 50 điểm có lăng quăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-7, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã thông tin về các vấn đề liên quan dịch bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.

Theo ông Tâm, 6 tháng đầu năm 2023, TP ghi nhận 8.519 ca SXH, riêng tháng 6-2023 ghi nhận 758 ca. Tình hình SXH trên địa bàn TP vào đầu năm có tăng cao, sau đó giảm dần. Trong tháng 6 bắt đầu tăng lại, mỗi tuần tăng lên khoảng 10% so với tuần trước.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Ảnh: TTBC

“Hiện số ca mắc SXH vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, hiện chưa có ca tử vong. Tuy nhiên người dân cũng cần thận trọng trong phòng chống SXH vì hiện TP đang vào mùa SXH, từ tháng 7 kéo dài đến tháng 10.

Đáng chú ý, theo giám sát của HCDC, trên địa bàn TP có khá nhiều điểm có lăng quăng. Chúng tôi đi kiểm tra ngẫu nhiên các quận huyện, cứ 100 điểm sẽ có 50 điểm có lăng quăng, chiếm khoảng 50% số điểm giám sát có lăng quăng. Đây là dấu hiệu nguy hiểm” - ông Tâm nói.

Về tình hình dịch bệnh TCM, theo ông Tâm, trong 6 tháng đầu năm, TP ghi nhận 4.500 ca mắc TCM, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên đáng lo ngại có chủng EV71, đây là chủng từng gây dịch bệnh chết người ở TP.HCM vào năm 2011.

Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị. Trong đó, ba bệnh viện nhi là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP là bệnh viện tuyến cuối để thu dung, điều trị TCM. Ngành y tế TP cũng thành lập các tổ chuyên gia điều trị SXH và TCM, đồng thời hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện ở TP và bệnh viện các tỉnh phía Nam.

“Để dự phòng SXH, cần tuân thủ nguyên tắc ‘Không có nước thì không có lăng quăng, không có lăng quăng thì không có SXH’. Trách nhiệm phòng chống SXH là trách nhiệm của tập thể, cộng đồng, tất cả người dân chứ không chỉ của ngành y tế” - ông Tâm nhấn mạnh.

Theo đó, hiện HCDC được Sở Y tế giao nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ phòng chống dịch ở các quận huyện và TP Thủ Đức và phối hợp địa phương xử lý kịp thời các ổ dịch SXH, tái kiểm tra ổ dịch.

Ông Tâm nói thêm, cộng đồng có thể hỗ trợ phòng chống SXH bằng cách không để nước đọng. Ngoài ra, qua app “Y tế trực tuyến”, người dân có thể thông tin cho ngành y tế biết về những điểm có nước đọng nhưng ngoài tầm xử lý. Ví dụ nếu phát hiện trong công trình hay những nhà đóng cửa có nước đọng mà không xử lý được, người dân có thể chụp hình gửi về ngành y tế qua app, HCDC sẽ tiếp nhận thông tin và chuyển về địa phương để xử lý kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm