Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2022 và triển khai công tác CCHC năm 2023 do UBND TP.HCM tổ chức, Sở Tư pháp TP.HCM được xác định là đơn vị có chỉ số CCHC cao nhất và là đơn vị dẫn đầu trong khối sở, ban ngành.
Có được kết quả trên là nhờ vào việc Sở Tư pháp TP đã có nhiều giải pháp, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai áp dụng và đạt hiệu quả, đánh giá cao.
Số hóa hơn 11,7 triệuhồ sơ hộ tịch
Theo đó, CCHC không chỉ là cải cách về thủ tục hành chính mà còn là cải cách về thể chế, tổ chức bộ máy, quản lý điều hành… Hai điểm nổi bật trong công tác CCHC của Sở Tư pháp TP năm 2022 có thể kể đến là về lĩnh vực hộ tịch và cải cách về thể chế.
Cụ thể, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành giai đoạn 1 cơ sở dữ liệu hộ tịch, số hóa toàn bộ các loại sổ đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử và nhận cha, mẹ, con đang được lưu trữ tại Sở Tư pháp, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND phường, xã, thị trấn với hơn 11,7 triệu hồ sơ đã được nghiệm thu (trong đó 11,1 triệu hồ sơ đủ điều kiện chuyển lưu vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp).
Điều này là tiền đề để từ tháng 6-2022 người dân tại TP.HCM khi thực hiện các thủ tục như cấp bản sao trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, trích lục khai tử… không còn phải phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú của người yêu cầu.
Việc số hóa dữ liệu hộ tịch là bước quan trọng để TP thực hiện việc cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch. Từ đó mở rộng việc ứng dụng khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Ngoài ra, hiện nay tại Sở Tư pháp TP, đa số lĩnh vực chuyên môn đều có phần mềm quản lý, khai thác thông tin, xử lý nghiệp vụ. Ví dụ như phần mềm quản lý lý lịch tư pháp; quản lý luật sư; đăng ký và quản lý hộ tịch… giúp việc quản lý, giải quyết hồ sơ hành chính nhanh chóng, hiệu quả.
Đặc biệt về cải cách thể chế, năm 2022 Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định 11/2022 (quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP.HCM). Từ quy trình này đã đóng góp quan trọng trong hoàn thiện hệ thống thể chế công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND TP và UBND TP ban hành.
Đề xuất thí điểm cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch
Trong năm 2023, với mục tiêu tiếp tục duy trì vị trí đầu trong CCHC gắn liền với chủ đề của TP.HCM là “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện môi trường đầu tư”, cũng như thực hiện yêu cầu “đặt CCHC là vấn đề trọng tâm” mà Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề ra, Sở Tư pháp TP cho biết đã vạch ra những nhiệm vụ, kế hoạch triển khai cụ thể.
Trong đó, điểm chung của những nhiệm vụ sắp tới là các giải pháp, sáng kiến vẫn gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu và đổi mới trong cách làm.
Sở Tư pháp TP sẽ tiếp tục hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn TP.HCM.
Tiếp theo đó là tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT thực hiện liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Cạnh đó, năm 2023 Sở Tư pháp sẽ tham mưu cho UBND TP để xây dựng, triển khai hình thức đấu giá trực tuyến trên địa bàn.
Đáng chú ý, liên quan đến lĩnh vực hộ tịch, Sở Tư pháp đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp để triển khai thí điểm việc cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch từ dữ liệu số hóa sổ hộ tịch TP.HCM. Nếu được cho phép triển khai thí điểm, bản điện tử giấy tờ hộ tịch này sẽ thay thế cho giấy tờ hộ tịch bản giấy. Điều này sẽ rất tiện lợi cho người dân khi đi giao dịch, đặc biệt là khi thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
4 nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC 2023
Một là, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức và sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Hai là, tập trung thực hiện tốt các giải pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ Sở Tư pháp được giao để tham gia tích cực vào việc cải thiện môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển tại TP.
Ba là, tiếp tục thực hiện CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân; tập trung thực hiện các mô hình, sáng kiến, giải pháp thiết thực; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về CCHC.
Bốn là, tham mưu tốt nhiệm vụ cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn TP.