Đến năm 2025, TP.HCM thống nhất quản lý dữ liệu đất đai, quy hoạch, hộ tịch

(PLO)- Đến năm 2025, TP.HCM hướng tới phát triển toàn diện các trụ cột của chuyển đổi số TP, bao gồm dữ liệu số trong phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chiến lược được TP.HCM xây dựng nhằm khai phá tiềm năng của dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của chính quyền, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, hướng đến phát triển kinh tế số một cách toàn diện và bền vững.

Tầm nhìn mà TP.HCM đặt ra đến năm 2025 là hướng tới phát triển toàn diện các trụ cột của chuyển đổi số TP, bao gồm dữ liệu số trong phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

TP.HCM đặt 4 mục tiêu chính cần đạt đến năm 2025.

Trước hết, TP phấn đấu 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất nhằm duy trì, cập nhật, khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị.

Tiếp theo, TP hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể; dữ liệu về thu chi ngân sách, giải ngân đầu tư công.

Mục tiêu tiếp theo là các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện mỗi năm có ít nhất một sáng kiến sử dụng dữ liệu để hỗ trợ ra quyết định.

Cuối cùng, 100% cơ sở dữ liệu của TP phải được lưu trữ, quản lý tại Trung tâm dữ liệu TP, được đảm bảo an toàn thông tin.

TP.HCM xác định dữ liệu là tài sản chung, được thu thập và hình thành từ các hệ thống thông tin, tác nghiệp hằng ngày và được chia sẻ, tái sử dụng theo những phương thức và tính riêng tư giữa các cơ quan. Dữ liệu phải được chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng.

Từ nay đến năm 2025, chiến lược dữ liệu của TP.HCM tập trung vào ba nhóm dữ liệu chính: người dân, tài chính - doanh nghiệp và đất đai - đô thị.

Trong đó, nhóm dữ liệu về người dân là nhóm quan trọng, có nhu cầu sử dụng cao, cần được ưu tiên nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước. Dữ liệu người dân hình thành từ các nguồn dữ liệu về hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính ngân hàng, vi phạm hành chính.

Nhóm dữ liệu về tài chính - doanh nghiệp sẽ tập trung vào các lĩnh vực tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

Với nhóm dữ liệu quản lý đất đai - đô thị, TP.HCM tập trung vào các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, xây dựng, giao thông, quy hoạch - kiến trúc.

Kho dữ liệu dùng chung của TP đóng vai trò là trung gian hỗ trợ các chức năng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu.

UBND TP.HCM giao ba Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách các lĩnh vực chịu trách nhiệm triển khai các nội dung của chiến lược dữ liệu mà mình phụ trách.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy