“Theo Kế hoạch số 3818 ngày 8-8-2023 của UBND TP.HCM thì đến cuối năm 2025 tổng diện tích công viên tăng thêm 108,84 ha. Đến hết quý 1 năm nay, tổng diện tích công viên phát triển thêm được 38,99 ha, theo đó, để đạt chỉ tiêu theo kế hoạch, TP cần phát triển thêm 69,85 ha”- báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Công tác chuẩn bị đầu tư chậm
Báo cáo của Sở Xây dựng TP về tiến độ và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, công trình, dự án kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) gửi UBND TP, cho hay để có thêm gần 70 ha công viên, TP cần 15 dự án công viên ở các quận, huyện và TP Thủ Đức.
Trong 15 dự án xây dựng công viên này có 8 dự án dùng nguồn vốn ngân sách, 2 dự án phát triển hạ tầng có hạng mục công viên cây xanh và các công viên dự kiến phát triển từ nguồn vốn ngoài ngân sách ở 5 khu đô thị.
Đối với 8 dự án dùng vốn ngân sách, hiện nay, 7 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.
7 dự án gồm: quận 12 có 3 công viên là Thạnh Lộc (3,37 ha), công viên Tân Chánh Hiệp (1,69 ha), công viên Tân Thạnh Tây khu 2 (2 ha); TP Thủ Đức có 3 công viên là Khang Điền (1,15 ha), công viên Hiệp Phú (gần 2 ha), công viên Long Bình (2,24 ha); và huyện Nhà Bè có công viên Phú Xuân (hơn 4,8 ha).
Theo kế hoạch của Sở Xây dựng TP thì đến tháng 3, các dự án trên phải hoàn thành công tác trình và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. “Tuy nhiên, đến 31-3, các dự án trên chưa hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo”, báo cáo của Sở Xây dựng TP nêu.
Riêng đối với dự án Xây dựng công viên Trung Lập Thượng tại xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, do khu vực đã giải phóng mặt bằng có thể thực hiện dự án ngay chỉ được 8.959 m2/57.741 m2 nên Sở Xây dựng TP đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xem xét, đánh giá chọn phương án thực hiện tối ưu cho dự án này.
Nhiều chủ đầu tư chưa bàn giao hạ tầng
Ngoài 8 dự án dùng ngân sách, TP.HCM cũng có thêm các công viên ở 5 khu đô thị (dùng vốn ngoài ngân sách). Diện tích công viên tăng thêm tại các dự án có quy mô lớn như khu dân cư Vinhomes, khu dân cư Vạn Phúc, khu dân cư Sala cùng ở TP Thủ Đức), Phú Mỹ Hưng (quận 7) là 15,365 ha và khu dân cư Celadon (quận Tân Phú).
Về các dự án này, Sở Xây dựng TP cho biết đang làm việc với các chủ đầu tư của các dự án phát triển nhà ở đã có người dân vào sinh sống, các dự án đã đầu tư công viên cây xanh (nhưng chưa bàn giao cho cơ quan chức năng), đề nghị các chủ đầu tư thực hiện hoàn thiện hệ thống hạ tầng và bàn giao cho cơ quan thẩm quyền theo quy định.
Với 2 dự án phát triển hạ tầng có hạng mục công viên cây xanh với tổng diện tích công viên là 47,7 ha bao gồm: Dự án Đầu tư Hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (giai đoạn 3: 11,7 ha) và dự án Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (36 ha).
Dự án Đầu tư Hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân hiện đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, Sở Xây dựng TP đã có công văn về ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Trong đó đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung chưa phù hợp với quy hoạch và các quy định hiện hành.
“Dự án Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang triển khai xây dựng đối với các gói thầu XL1 đến XL10 đảm bảo tiến độ theo hợp đồng, khối lượng dự án đạt được khoảng 35% nhưng chưa triển khai đối với hạng mục công viên cây xanh nên chưa có diện tích tăng thêm”- Sở Xây dựng TP cho biết thêm.
Từ các nội dung báo cáo trên, để có thể hoàn thành được Kế hoạch số 3818, Sở Xây dựng TP kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở QH&KT TP hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ trong việc triển khai lập, trình và phê duyệt quy hoạch, quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn để làm cơ sở triển khai dự án theo quy định.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn TP có khoảng 11.369 ha đất công viên và cây xanh, tỉ lệ cây xanh đô thị trên đầu người còn thấp, đạt 0,55m2/người. Chỉ tiêu đến 2025, TP sẽ có diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người, hướng tới năm 2030, không dưới 1m2/người.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM, cho rằng TP cần thêm nhiều mảng xanh, công viên do hiện nay tỉ lệ xây canh đô thị trên đầu người ở TP còn thấp.
"Công viên cây xanh là rất cần thiết vì thời tiết ngày càng nắng nóng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư công viên cây xanh có thể tính đến lâu dài, trong khi đó nhiều mảng xanh chúng ta có thể tận dụng trước mắt là khu vực ven kênh, sông. Nếu có thể kết hợp chỉnh trang ven kênh và trồng thêm nhiều mảng xanh thì rất tốt"- ông Cương nói.
Tương tự, TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, cũng cho rằng TP cần thêm nhiều hơn nữa cây xanh, bóng mát cho người dân. "Trong khi nguồn lực có hạn, chúng ta không nhất thiết phải làm một lúc nhiều nơi, hàng loạt công viên (nếu làm được thì quá tốt). Chúng ta cần làm dự án nào dứt điểm dự án đó thì sẽ mang lại hiệu quả ngay tức thì"- ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, TP có sông, rạch rất nhiều, và có các mảng xanh ven sông. Vì vậy, TP có thể tận dụng, làm các tiện ích đi kèm thì chắc chắn sẽ thu hút thêm người dân đến công viên như công viên bến Bạch Đằng hay công viên bờ sông Thủ Thiêm.