Hình hài bán đảo Thanh Đa nếu thành công viên sinh thái

(PLO)- Liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã đưa ra ý tưởng biến bán đảo Bình Qưới - Thanh Đa thành công viên sinh thái đa chức năng.

bandaothanhda.jpg
Ý tưởng được liên danh tư vấn đưa ra trong báo cáo gần đây về Quy hoạch phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn. Theo đó, liên danh tư vấn phác thảo sơ về ý tưởng biến bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thành công viên trung tâm đa chức năng như trong hình. Trong hình phác thảo, Thanh Đa tương lai với những mảng màu xanh lá phủ kín là khu công viên, không gian xanh, phần ngôi sao màu đỏ ở giữa là một công trình biểu tượng, chỉ một góc nhỏ dành cho phát triển đô thị (các ô màu nâu).
1123.jpg
Bán đảo Thanh Đa có tổng diện tích 480 ha được lên ý tưởng thành khu đất ngập nước phục vụ nông nghiệp và không gian giải trí với quy mô tương tự như công viên Hyde Park (140 ha ở London), Central Park (340 ha ở New York) hoặc Bois de Boulogne (840 ha ở Paris). Đây có thể là một biến thể hiện đại của cả hai khái niệm “Công viên trung tâm” và “Dải ngọc lục bảo", tạo ra một công viên đô thị bền vững của thế kỷ 21. Trong ảnh là mô hình công viên sinh thái Thanh Đa với các mảng xanh theo ý tưởng của liên danh tư vấn.
1122.jpg
Liên danh tư vấn cũng đề xuất tái thiết khu vực cảng Phước Long và sau khi trải qua quá trình tái thiết khu cảng sẽ là mặt tiền hướng ra sông của đô thị kết hợp với công viên trên các tòa nhà chọc trời và các bến đi bộ công cộng. Trong ảnh là khu cảng đối diện với bán đảo Thanh Đa.
1125.jpg
Khu cảng sẽ được nối với bán đảo Thanh Đa bằng cáp treo và cầu đi bộ. Hệ thống cáp treo có sức chứa lớn sẽ chạy từ ga metro Phước Long đến khu trung tâm của công viên, nơi các dịch vụ, cửa hàng, trung tâm, v.v... được tập trung và tích hợp thành một ngôi làng truyền thống. Tuyến cáp treo sẽ mở rộng dần sang phía Tây đến ga Bình Triệu khi cải tạo các tuyến đường cho tàu đi ngoại ô.
1128.jpg
Liên danh tư vấn cũng đưa ra hàng loạt các nghiên cứu điển hình trên thế giới, phát triển công viên sinh thái gần TP như kiểu bán đảo Thanh Đa. Trong ảnh là công viên nước Parque Del Agua (Tây Ban Nha) tọa lạc gần trung tâm thành phố Zaragoza với các khu thể thao và giải trí ngoài trời gắn với nước như bãi biển, khu vườn xử lý nước... Khu vực này vẫn có khả năng ngập lụt trong trường hợp mực nước sông dâng cao.
1129.jpg
Tại đây có một tháp nước hình giọt nước cao 76m, đến nay vẫn được coi là biểu tượng của triển lãm và thành phố. Nơi đây cũng có các không gian triển lãm về chu kỳ nước, hệ sinh thái nước, hệ thống quản lý lưu vực sông. Đặc biệt, công trình Thủy cung Sông - thủy cung nước ngọt lớn nhất châu Âu - giới thiệu về sự đa dạng của các dòng sông lớn trên thế giới.
1130.jpg
Lá phổi xanh Bang Kachao của Bangkok (Thái Lan) tọa lạc gần trung tâm lịch sử dọc theo dòng sông Chao Phraya. Bang Kachao được bảo tồn khỏi sự lan rộng của khu vực đô thị cũng như các quá trình xây dựng đổi mới. Nơi đây vẫn giữ được bản sắc nông thôn và môi trường tự nhiên với các cánh đồng, vườn cây ăn quả, khu đất ngập nước, đền chùa và các làng truyền thống.
1131.jpg
Hình ảnh trung tâm TP Bangkok nhìn từ khu tự nhiên Bang Kachao.
1136.jpg
Liên danh tư vấn đưa ra ví dụ nghiên cứu điển hình: Hortillonnages và Công viên Saint-Pierre ở Amiens (Pháp). Tọa lạc tại thành phố Amiens, cách Paris 200 km về phía Bắc. Các đầm lầy dọc theo sông Somme đã được chuyển đổi thành các những rau, được gọi là Hortillonnages. Năm 1995, giữa TP Amiens và Hortillonnages, trên một vùng đất ngập nước, công viên Saint-Pierre đã được mở cửa tập trung bảo tồn các hệ sinh thái nước và đất đang tồn tại.
thanh-đa.jpg
Theo liên danh tư vấn, bán đảo Thanh Đa là lá phổi xanh lớn cuối cùng tại trung tâm TP.HCM. Đến nay, các dự án phát triển trên bán đảo vẫn chưa được phê duyệt. Các dự án nếu được triển khai thì không chỉ xây dựng mà còn san lấp mặt bằng, nâng cao nền đất lên trên mực nước lũ, dẫn đến phá hủy hoàn toàn hệ thống sinh vật sẵn có, gây ảnh hưởng đến thảm thực vật và phân bổ đất nông nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm