TP.HCM sắp khởi công 3 nhà máy đốt rác phát điện

Ứng dụng công nghệ đốt rác phát điện nhằm hướng đến quản lý môi trường xanh, phát triển kinh tế xã hội bền vững và tăng trưởng xanh. Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM đã xác định và thống nhất nhanh chóng tiến hành chuyển đổi sang đầu tư công nghệ mới, cải tạo, nâng cấp nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý của các nhà máy hiện hữu sang công nghệ đốt rác phát điện.

Sắp khởi công 3 nhà máy đốt rác phát điện

Hiện nay, việc xử lý chất thải ở TP.HCM chủ yếu là chôn lấp. chỉ một phần nhỏ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng). Ngoài chôn lấp, còn có một lượng rác khác dùng để sản xuất phân bón và tái chế nhưng tỉ lệ rất thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Mặc dù các bãi chôn lấp hiện tại ở TP.HCM là chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của thành phố ở giai đoạn trước đây khoảng hơn 10 năm. Một trong những hạn chế của công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh là chiếm dụng nhiều diện tích đất và tồn tại mùi hôi vào một số thời điểm, theo mùa.

Từ nay đến năm 2020, tổng khối lượng rác chôn lấp phải dưới 50%

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, mô hình đốt rác phát điện đã được UBND thành phố chấp nhận chủ trương. Theo đó, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ cấp phép ít nhất cho ba đơn vị xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện, gồm: Công ty CP Đầu tư - phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty CP Vietstar và Công ty Môi trường Tasco Củ Chi.

Theo đánh giá của Sở TN&MT TP.HCM, với công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích như: thu hồi điện năng từ rác, một phần điện phục vụ cho nhà máy và phần còn lại hòa vào mạng lưới điện quốc gia; có thêm các sản phẩm tái chế như gạch không nung, vật liệu xây dựng... Đồng thời, giảm được khối lượng chất thải đem chôn lấp; giảm diện tích đất chôn lấp và tạo nguồn năng lượng xanh hơn. Bên cạnh đó, sẽ giảm phát thải khí nhà kính, ít phát sinh nước rỉ rác và mùi hôi…

Giám sát đánh giá tác động môi trường

Để chuẩn bị cho quá trình xây dựng, vận hành các nhà máy mới, Sở TN&MT TP.HCM sẽ giám sát và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng các nội dung đánh giá tác động về môi trường do Bộ TN&MT thẩm định và phê duyệt. Bên cạnh đó, các thông số môi trường tại các nhà máy xử lý rác sẽ được được quan trắc tự động và chuyển số liệu về Sở TN&MT theo dõi, giám sát thường xuyên.

Đối với việc xử lý khí thải phát sinh từ lò đốt, ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, cho biết việc xử lý khí thải phát sinh từ lò đốt là một tiêu chí quan trọng. Theo đó, việc xử lý khí thải phải đáp ứng đúng quy chuẩn, kỹ thuật đối với lò đốt, phát điện do Bộ TN&MT ban hành.

“Một trong những nội dung quan trọng trong việc thẩm định và phê duyệt của Bộ TN&MT là biện pháp xử lý khí thải và biện pháp phòng ngừa, ứng phó khi sự cố xảy ra. Trong giai đoạn thẩm định, Bộ sẽ xem xét đầy đủ những tiêu chí này để đảm bảo khí thải phát sinh ra được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường”, ông Hiền nhấn mạnh.

Ngày 18-7, UBND TP.HCM có Công văn số 2912/UBND-DA về thực hiện chỉ tiêu môi trường đến cuối năm 2020, 50% khối lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Ngay từ khi có chỉ đạo nói trên, Sở TN&MT đã triển khai công tác chuẩn bị lễ khởi công xây dựng nhà máy chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Công văn số 219/STNMT-CTR-BGĐ ngày 5-8-2019). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới