TP.HCM sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã...như thế nào?

(PLO)-  Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sẽ được tiếp nhận, tuyển dụng, điều động, luân chuyển đến từng đơn vị, các sở, ngành TP hay các đơn vị khác. 

Tại buổi họp báo định kì chiều 10-8, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm đã thông tin về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, Nghị quyết số 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 19-7-2023. Theo đó, tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo hai giai đoạn 2023- 2025 và 2025-2030. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 117 để tổ chức triển khai.

Hiện nay, Sở Nội vụ cùng các sở, ngành khác đang tham mưu cho UBND TP dự thảo kế hoạch để tiến hành sắp xếp giai đoạn 1. Ở giai đoạn sau (2025- 2023), Sở sẽ tiếp tục tham mưu khi có Nghị quyết mới của Chính phủ.

Giai đoạn 1, TP.HCM có 6 đơn vị hành chính cấp huyện cần sắp xếp là quận 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Trong số 149 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp, có bảy đơn vị đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn trước, thế nên không cần sắp xếp ở giai đoạn này.

Việc sắp xếp lại trụ sở và số cán bộ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện theo chủ trương này nhận được nhiều sự quan tâm.

Thông tin thêm, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, khi thực hiện sắp xếp cấp huyện, xã, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sẽ thực hiện giống giai đoạn 2019-2021. Họ sẽ được tiếp nhận, tuyển dụng, điều động, luân chuyển đến từng đơn vị, các sở, ngành TP hay các đơn vị khác.

Nếu số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động này có nguyện vọng thôi việc thì thực hiện các chế độ, chính sách, tinh giản biên chế theo quy định.

Về việc sắp xếp trụ sở hành chính, ngành Nội vụ TP.HCM nói sẽ phối hợp để rà soát, tham mưu lại cho UBND TP.HCM xem xét, quyết định chuyển công năng, mục đích sử dụng đối với trụ sở các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cũ. Sở Nội vụ cũng tính đến phương án khác là sẽ tổ chức thanh lí, đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại trụ sở dôi dư, không sử dụng do sắp xếp đơn vị hành chính.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm đã thông tin về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn. Ảnh: THÀNH NHÂN

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm đã thông tin về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn. Ảnh: THÀNH NHÂN

Theo Nghị quyết 35, các đơn vị không thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính gồm những yếu tố đặc thù (quy định tại khoản 1, điều 3). Cụ thể:

Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.

Đơn vị hành chính có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.

Đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hiện địa phương vẫn tiếp tục rà soát, phân loại các đơn vị hành chính có một trong bốn yếu tố đặc thù, không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm