TP.HCM kiến nghị Trung ương phân bổ biên chế hành chính phù hợp

(PLO)- Thực hiện Nghị quyết 98, số lượng biên chế công chức hành chính của TP.HCM sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm từng địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Nội vụ TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hình biên chế khối chính quyền tại TP.

Theo đó, Sở Nội vụ đề xuất UBND TP trình Ban cán sự Đảng UBND TP xin ý kiến Thường vụ Thành ủy tiếp tục kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế xem xét, phân bổ số lượng biên chế công chức hành chính tại TP cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và theo Nghị quyết 98/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cần thiết nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM sẽ căn cứ dân số, đặc điểm địa bàn để quyết định số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo Nghị quyết 98, HĐND TP.HCM sẽ căn cứ dân số, đặc điểm địa bàn để quyết định số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Lý giải về đề xuất này, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết số lượng biên chế công chức hành chính tại Quyết định 72/2022 của Ban Chấp hành Trung ương không đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực khối chính quyền tại TP.

Tính đến ngày 31-3, số lượng biên chế hành chính tại TP.HCM là 12.905 người, cao hơn số lượng biên chế hành chính được giao tại Quyết định 72 là 2.393 người.

Thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, trung bình mỗi năm khối chính quyền TP.HCM giảm gần 800 người. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong giai đoạn khối lượng công việc ngày càng tăng như hiện nay.

Trong khi đó, Nghị quyết 98 quy định HĐND TP.HCM căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn.

Quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.

Do đó, số lượng biên chế công chức hành chính của TP sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng tăng theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn của từng quận, huyện, TP Thủ Đức.

Dự kiến, tháng 9-2023, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức đối với số lượng công chức tại xã, phường, thị trấn.

Trước đó, trong kế hoạch thực hiện Đề án 01/2021 của Ban Thường vụ Thành uỷ, UBND TP giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu phương án đề xuất Trung ương, Chính phủ xem xét cho TP.HCM được thí điểm ký hợp đồng lao động chuyên môn để bổ sung nguồn nhân lực tại các phường, xã, thị trấn có mật độ dân số cao.

Việc này được đề xuất thực hiện sau khi đã hoàn thành việc bố trí cán bộ theo quy định về cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.

TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, 312 đơn vị hành chính cấp xã.

Các đơn vị hành chính này diện tích nhỏ, dân số rất đông và hoạt động hành chính theo quy mô dân số/quy mô kinh tế rất lớn.

Trong đó, TP có 21/22 đơn vị cấp huyện và 223/312 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn về dân số.

Thậm chí, xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) đạt trên 2.000% về dân số (tức gấp 20 lần về tiêu chuẩn). Hay như Quận 1, dân số đăng ký là 239.000 người, nhưng hàng ngày phải phục vụ cho khoảng 1 triệu người. Đây là đặc điểm nổi bật của TPHCM, diện tích nhỏ, dân số đông và hoạt động hành chính rất lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm