Sáng 31-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Phát biểu tại đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là việc rất quan trọng, phức tạp, cần tiến hành kỹ lưỡng, khoa học.
Phiên họp tại đầu cầu TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA |
Theo ông Mãi, trong giai đoạn 2019-2021, TP.HCM đã sắp xếp ba quận 2, quận 9, quận Thủ Đức để lập TP Thủ Đức và sắp xếp 19 phường. Qua đó, TP giảm 170 cán bộ, công cấp huyện; 100 cán bộ, công chức và 124 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đến nay, các ĐVHC được sắp xếp hoạt động cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM cũng gặp nhiều khó khăn về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất. Đặc biệt việc sắp xếp cũng ảnh hưởng đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Ông dẫn chứng TP Thủ Đức trước đây có tách ra, rồi gần đây nhập vào đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư, tình cảm, hoạt động kinh doanh, sinh hoạt đời sống của người dân. “Đây là bài học thực tiễn rất lớn đối với TP.HCM trong quá trình sắp xếp sắp tới” – ông Mãi nói.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng thông tin TP.HCM hiện có 22 ĐVHC cấp huyện, 312 đơn vị cấp xã. Chiếu theo quy định, TP.HCM có 22 đơn vị cấp huyện, 31/312 đơn vị cấp xã sẽ đạt hai tiêu chí diện tích và dân số; 11/22 đơn vị cấp huyện, 217/312 đơn vị cấp xã là chưa đạt 50% tiêu chí trở lên. Tuy nhiên, có 21/22 đơn vị cấp huyện và 223/312 đơn vị cấp xã đạt trên 100% tiêu chuẩn dân số.
“Thậm chí xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đạt 2.000%, gấp 20 lần so với tiêu chuẩn. Hay quận 1 có dân số 239.000 người nhưng hàng ngày phải phục vụ cho khoảng 1 triệu người” – ông Mãi dẫn chứng và cho biết đặc điểm rất nổi bật của TP.HCM là diện tích nhỏ, dân số đông, hoạt động hành chính rất lớn.
Từ đó, đặt ra cho TP nhiều khó khăn, phức tạp trong việc sắp xếp ĐVHC, đòi hỏi TP phải nghiên cứu kỹ lưỡng khoa học, vừa thực hiện đúng chủ trương của Trung ương vừa phù hợp thực tiễn của TP, nhằm hướng đến xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không gây xáo trộn lớn và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội TP.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có sáu ĐVHC cấp huyện và 149 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025. TP đang tập trung chỉ đạo lập phương án, xây dựng và hoàn thành đề án theo đúng tiến độ quy định; trình Thủ tướng phê duyệt chậm nhất vào ngày 31-10.
Ông Mãi khẳng định TP.HCM xác định việc sắp xếp các ĐVHC phải gắn sát với việc lập quy hoạch TP, rà soát quy hoạch chung của TP và đặc biệt gắn sát với việc triển khai đề án xây dựng nền công vụ TP hiệu lực, hiệu quả.
Do đó, TP cũng sẽ tập trung đánh giá kỹ lưỡng các tác động của việc sắp xếp này đối với người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế - xã hội TP. Đồng thời, chuẩn bị các phương án xử lý các phát sinh; tập trung tuyên truyền, có hình thức phù hợp trong việc lấy ý kiến người dân về sắp xếp ĐVHC.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể và có sự hỗ trợ TP trong thực hiện sắp xếp ĐVHC thời gian tới.
Trao đổi lại Chủ tịch UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận TP.HCM số lượng ĐVHC mà TP.HCM cần sắp xếp giai đoạn 2023-2025 là rất lớn, với sáu ĐVHC cấp huyện và 149 ĐVHC cấp xã.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong Bí thư Thành uỷ TP.HCM có chỉ đạo đồng bộ, cân nhắc, thận trọng vì có đặc thù của TP.HCM rất riêng khi nhiều nơi có diện tích rất nhỏ nhưng số dân rất lớn; cần sắp xếp cho phù hợp. Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình sắp xếp và sau sắp xếp.