Đầu tháng 4 này, nhiều khu phố, ấp trên địa bàn TP.HCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết 11 của HĐND TP về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp.
Song song đó là buổi lễ tôn vinh, tri ân, khen thưởng các cá nhân tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân suốt nhiều năm qua.
Tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian
Chia sẻ tại buổi lễ công bố sắp xếp khu phố và tri ân các cá nhân của phường 2 (quận 5), ông Huỳnh Ngọc Hạnh, Bí thư chi bộ khu phố 1 xúc động nói ông có hơn sáu năm gắn bó với công tác ở khu phố.
Sau khi sắp xếp, ông tiếp tục đảm đương vị trí bí thư chi bộ khu phố phần nhiều vì thấy mình còn sức khoẻ và vì tình cảm với người dân, vì tình làng nghĩa xóm. "Khu phố tôi sắp xếp lại có hơn 500 hộ dân và điều quan trọng nhất khi làm là phải đặt tâm tư, tình cảm để giải quyết các vấn đề, vướng mắc cho người dân" - ông Hạnh bộc bạch.
Trước khi sắp xếp, phường 2 có sáu khu phố với 76 tổ dân phố, sau khi sắp xếp, phường này có chín khu phố và không còn tổ dân phố.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Bí thư Đảng uỷ phường 2 cho biết việc sắp xếp khu phố nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao từ người dân địa phương. Việc sắp xếp lại khu phố cũng giúp bộ máy được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian và góp phần tiết kiệm chi ngân sách để đầu tư các nguồn lực cho phát triển.
Còn tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, không khí lễ công bố Nghị quyết 11 của HĐND TP về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp được diễn ra trang trọng.
Ông Võ Quốc Duy, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận, cho biết khó khăn lớn nhất của phường khi thực hiện đề án sắp xếp khu phố là người dân còn tâm tư về việc điều chỉnh các thông tin trên giấy tờ cá nhân như CCCD, giấy phép lấy xe, giấy tờ nhà đất... Tuy nhiên, sau khi phường quan tâm, trao đổi với người dân thì đã nhận được sự đồng thuận cao trong việc sắp xếp khu phố.
"Tôi mong việc sắp xếp này sẽ giúp giúp bộ máy phường ngày càng tinh gọn, sát dân và gần dân hơn" - ông Duy kỳ vọng.
Sắp xếp khu phố, ấp là cơ sở triển khai sắp xếp đơn vị hành chính
Còn tại lễ công bố Nghị quyết 11 của HĐND TP về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, ấp ở phường 9, quận 11, Chủ tịch UBND quận 11 Nguyễn Trần Bình đã gửi lời tri ân đến ban điều hành tổ dân phố.
"Quận 11 trân trọng ghi nhận và cám ơn những đóng góp của các cô chú, anh chị đã cống hiến cho hoạt động của khu phố, tổ dân phố; gắn kết sâu sắc với quận và phường như một gia đình trong gần 50 năm qua.
Cả hệ thống chính trị quận 11 luôn ghi nhớ mãi và không thể nào quên các cô chú, anh chị ban điều hành tổ dân phố đã luôn âm thầm cống hiến cho sự phát triển chung của quận 11, giúp địa phương có được như ngày hôm nay" - ông Bình chia sẻ và cho biết trước khi sắp xếp, quận 11 có 63 khu phố, sau khi sắp xếp quận có 115 khu phố.
Theo ông Bình, việc thành lập khu phố mới là điều kiện cơ bản và tiên quyết cho quá trình tinh gọn bộ máy theo hướng gần dân, sát dân và là cơ sở để quận 11 triển khai công tác sắp xếp các đơn vị hành chính theo chủ trương chung của Trung ương và TP.HCM.
Tăng cường chuyển đổi số để đáp ứng việc sắp xếp khu phố
Ông Nguyễn Trần Bình, Chủ tịch UBND quận 11, cho biết để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của HĐND TP về thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố, quận đã chỉ đạo địa phương áp dụng công nghệ số vào quản lý điều hành ở địa bàn dân cư.
Theo đó, tại buổi lễ công bố thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố, phường 9 (quận 11) đã công bố mô hình chuyển đổi số "Hệ thống chuyển đổi số để phục vụ việc quản lý, điều hành" trên địa bàn phường.
Hệ thống này giúp người dân, cán bộ phường xem được các số liệu thống kê quản lý toàn phường tại từng khu phố như dân số, gia đình, hộ nghèo - cận nghèo... Cạnh đó, mô hình cung cấp thêm thông tin cho cán bộ về tiến độ công việc, thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính...
Hệ thống này còn có tính năng dành riêng cho ban điều hành khu phố như quản lý danh sách công dân, hộ gia đình; xem bản đồ khu phố; thống kê dữ liệu khu phố và có tính năng mở để cập nhật chung nội dung, công tác khu phố, giúp thông tin cho UBND phường 9 về hoạt động khu phố.
"Việc áp dụng công nghệ số sẽ giúp sức, hỗ trợ cho các ban điều hành khu phố mới có thể quản lý được địa bàn dân cư. Người dân cũng sẽ có nhiều kênh thông tin để biết, hiểu thêm về hoạt động của chính quyền địa phương và khu phố, tổ dân phố" - ông Bình đánh giá.