TP.HCM sẽ có tuyến đường ven biển nối Tiền Giang - Cần Giờ

(PLO)- TP.HCM đề xuất nhánh 2 của đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) đến huyện Cần Giờ, qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Phước An và kéo dài đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM và Sở QH-KT TP.HCM đã họp bàn để rà soát hợp phần giao thông trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tại đây, hai sở đề xuất cập nhật hướng tuyến đường ven biển.

Quy hoạch đường ven biển ở TP.HCM

Sở GTVT TP và Sở QH-KT TP đề nghị tư vấn cập nhật hướng tuyến (nhánh 2 nối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đi cảng Phước An) theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Sở GTVT TP. Đồng thời, nghiên cứu tính chất đường dạng đường tỉnh để phù hợp với nội dung Đồ án.

Tư vấn cần thuyết minh đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế - xã hội và các tác động đến môi trường sinh thái khi đề xuất nhánh 2 của đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) đến huyện Cần Giờ, qua cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Phước An và kéo dài đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

TP.HCM sẽ có tuyến đường ven biển nối Tiền Giang – Cần Giờ. Ảnh: ĐT
TP.HCM sẽ có tuyến đường ven biển nối Tiền Giang – Cần Giờ. Ảnh minh họa: ĐT

Đề nghị Sở GTVT TP, Sở QH-KT hỗ trợ tư vấn làm việc với các địa phương liên quan (Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang...) để thống nhất vị trí các điểm kết nối cho phù hợp.

Tương tự, đường hàng không, hai sở đều thống nhất đề nghị đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu theo Quyết định số 648/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc này để nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch các cảng hàng không (dạng sân bay trực thăng) đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện.

Trong đó, đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và các tác động liên quan, đề xuất nội dung trên vào Đồ án quy hoạch.

Quy hoạch cảng biển đặc biệt

Đối với hệ thống đường thủy (cảng biển, hàng hải, đường thủy nội địa), theo Quyết định số 442 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cảng biển TP.HCM quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt.

Về quy hoạch bến tàu khách quốc tế, bến tàu khách quốc tế tại Mũi Đèn Đỏ tiếp nhận tàu 60.000 GT trên sông Nhà Bè; bến tàu khách quốc tế tiếp nhận tàu 225.000 GT tại cửa sông Ngã Bảy, huyện Cần Giờ; cần nghiên cứu đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia.

Đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung thuyết minh quan điểm phát triển không gian đô thị dọc sông Sài Gòn, đặc biệt khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Bao gồm sự cần thiết, vị trí, phạm vi quy hoạch bến tàu khách quốc tế khu vực hạ lưu cảng Bến Nghé tiếp nhận tàu khách quốc tế 30.000 GT.

Đồng thời, nghiên cứu tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 nhằm tạo điều kiện phát triển các hoạt động du lịch đường thủy trên sông Sài Gòn, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm