UBND TP.HCM vừa ban hành quy trình thí điểm xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vận tải hàng hóa bằng ô tô thông qua việc sử dụng thiết bị cân tải trọng tự động (phạt nguội). Thời gian thực hiện quy trình thí điểm là một năm. Hiện các đơn vị đang gấp rút triển khai theo đúng quy trình xử phạt nguội.
Ba vị trí xử phạt nguội
Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ xử phạt nguội xe quá tải ở ba vị trí gồm Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX)số 3, Trạm KTTTX số 6, số 7 tại khu vực Trạm thu phí An Sương - An Lạc. Sau thời gian thí điểm, UBND TP giao Sở GTVT TP đánh giá kết quả thực hiện để tham mưu, đề xuất UBND TP về phương án tổ chức thực hiện phù hợp.
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị theo dõi kết quả vi phạm quá tải thông qua hệ thống cân tự động. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thanh tra Sở GTVT TP cho biết thời gian qua lực lượng thanh tra giao thông vẫn nỗ lực ra quân kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường bộ. Đối với lực lượng ứng trực tại trạm cân tải cũng đã đáp ứng với tình hình thực tế, đảm bảo xử lý hiệu quả tình trạng xe quá tải tham gia giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, nhận định về những khó khăn trong việc xử phạt xe quá tải, Thanh tra Sở GTVT TP cho biết việc đảm bảo an ninh trật tự, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc dừng xe, truy đuổi, xử lý các hành vi chống đối, gây rối trật tự khu vực trạm cân. Thậm chí, người điều khiển xe cũng “né trạm”, gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
“Từ tháng 1-2023 đến nay, TP.HCM có tổng 205 vụ vi phạm chở quá tải, với tổng số tiền xử phạt hơn 10,5 tỉ đồng. Trong đó thẩm quyền UBND TP là 40 vụ, số tiền xử phạt là 4,7 tỉ đồng. Riêng năm 2022, lực lượng thanh tra giao thông cũng đã lập biên bản 934 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt hơn 30,4 tỉ đồng” - đại diện Thanh tra Sở GTVT TP cho biết.
Quyết dẹp xe quá tải
Sở GTVT TP cho biết quy trình xử phạt nguội xe quá tải thông qua thiết bị cân tải trọng tự động được áp dụng tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị - đơn vị được giao quản lý, sử dụng vận hành trạm KTTTX cố định và giao Thanh tra Sở GTVT TP căn cứ kết quả ghi nhận qua phương tiện thiết bị kỹ thuật để xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, cho biết hiện nay trung tâm vẫn đang theo dõi kết quả vi phạm quá tải thông qua hệ thống cân tự động. Tuy nhiên, khi áp dụng phạt nguội xe quá tải sẽ thực hiện theo trình tự và thủ tục riêng. Cụ thể, trung tâm sẽ thu thập kết quả và chuyển về trạm KTTTX giao cho Thanh tra Sở GTVT xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt theo quy định. Trung tâm cũng chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu trên phiếu cân KTTTX.
Sở GTVT TP cũng lường trước một số trường hợp “camera” không nhận được biển số của xe hoặc biển số sai, biển số bẩn, mờ, có vật che khuất, lóa ánh sáng đèn chiếu biển số vào ban đêm, biển số sai chữ cái… dẫn đến camera không nhận dạng biển số hoặc nhận dạng biển số sai. Khi đó sở sẽ tiến hành lưu hồ sơ, kiểm tra, xác minh kỹ thông tin và phải đảm bảo đúng về biển số xe, hình ảnh xe mới lập biên bản vi phạm.
Về phía Thanh tra Sở GTVT TP, sau khi tiếp nhận thông tin sẽ phải kiểm tra, xác minh, đảm bảo các thông tin trong phiếu cân KTTTX đúng với biển số xe, hình ảnh xe mới lập thông báo, biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt. Trường hợp nghi ngờ cần kiểm tra, tra cứu trên cổng thông tin điện tử Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc trao đổi với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.
Sau đó, Thanh tra sở sẽ phát hành thông báo đến chủ xe qua đường bưu điện. Trường hợp quá thời hạn ghi trong thông báo mà không liên hệ được với chủ xe hoặc chủ xe không chấp hành, Thanh tra sở sẽ đề nghị phối hợp với các địa phương quản lý xe đó và Cục Đăng kiểm Việt Nam để cảnh báo xe vi phạm. Từ đó cảnh báo liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định và giảm thời hạn hiệu lực giữa hai kỳ kiểm định.
Các trường hợp vi phạm hoặc ủy quyền đến Thanh tra Sở GTVT để thực hiện thủ tục và chấp hành quyết định xử phạt và tiến hành xử phạt theo quy định tại Nghị định 100 và Nghị định 123. Trường hợp người lái xe hoặc người được ủy quyền không chấp hành với lỗi vi phạm trên thì Thanh tra Sở GTVT sẽ tiến hành lập biên bản và ghi rõ nội dung không đồng ý của chủ xe. Sau đó, trong vòng hai ngày sẽ làm rõ nội dung không đồng ý với kết quả trong phiếu cân.
“Trong trường hợp vi phạm đến mức phải tước (nếu có) theo quy định thì sẽ tước giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường” - thanh tra giao thông cho biết.•
Bốn bước xử phạt nguội xe quá tải trọng
Bước 1: Truy cập, khai thác dữ liệu. Hằng ngày, theo nhiệm vụ được giao, người vận hành sẽ truy cập vào hệ thống kiểm soát tải trọng xe tìm kiếm, trích xuất phiếu cân những xe vượt quá tải trọng cho phép, mức vi phạm theo quy định.
Bước 2: Kiểm tra thông tin phiếu cân. Trong đó, cần đầy đủ hình ảnh, biển số xe vi phạm, kết quả cân và xuất thành file. Sau đó kiểm tra lại toàn bộ thông tin để đảm bảo thông tin trên phiếu cân không bị sai lệch.
Bước 3: Sử dụng thông tin trên phiếu cân KTTTX. Lúc này người phụ trách sẽ nhập thông tin trên phiếu cân vào bảng tiếp nhận, xác minh và xử phạt vi phạm tải trọng xe, in và trình lãnh đạo đơn vị được phân công ký. Sau đó chuyển hồ sơ đề nghị xử phạt cho Thanh tra Sở GTVT trong thời hạn ba ngày.
Bước 4: Lưu hồ sơ đề nghị xử phạt và các biên bản liên quan.