Các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Công xã Paris trên địa bàn quận 1 (TP.HCM) vừa hoàn thành việc gắn bảng tra cứu thông tin tên đường. Đây được xem là các tuyến đường thí điểm bảng tra cứu thông tin bằng mã QR (QR code) do Sở GTVT TP.HCM phối hợp cùng Sở VH&TT TP.HCM thực hiện trước khi lắp đặt tại các tuyến đường khác trên địa bàn TP.HCM.
Đầu tuần qua, Sở VH&TT TP cũng tiếp tục gửi tờ trình đến UBND TP.HCM đề xuất đặt tên mới cho 44 tuyến đường. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH&TT TP, người có mặt trong Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM từ ngày đầu hội đồng này thành lập vào năm 1995, về câu chuyện tên đường của TP.HCM.
Nhiều khu dân cư đề xuất tên đường phù hợp TP.HCM từng có nhiều cụm tên đường từ đề xuất của người dân, UBND địa phương tự đặt tên rất tốt. Đơn cử như khu 14 con đường tên các loài hoa: Hoa Cúc, Hoa Lan, Hoa Hồng, Hoa Huệ… ở phường 2 và phường 7, quận Phú Nhuận. Các con đường này được xây dựng từ năm 2004 sau khi cải tạo khu Miếu Nổi và được UBND quận Phú Nhuận ra quyết định đặt tên. Hay như khu Bàu Cát với đường Bàu Cát chính và tám đường Bàu Cát đánh số 1-8 cũng được hình thành sau khi khu dân cư Bàu Cát xây dựng từ năm 1989. |
Chỉ đặt tên khi đường có chiều dài 200 m trở lên
. Phóng viên: Thưa ông, tên đường phố ở TP.HCM được cho rằng đặt không theo trật tự và quá nhiều thay đổi làm rối người dân. Ông có thể cho biết có những thay đổi nào sắp tới để tránh xáo trộn trong việc đặt tên đường?
+ Ông Hoàng Nghị: Sở VH&TT TP.HCM vừa có tờ trình đến UBND TP.HCM để đặt tên mới 44 tuyến đường ở các quận 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi. Để được đặt tên mới, các đường này phải đáp ứng điều kiện: Có chiều dài tối thiểu 200 m, lộ giới tối thiểu 12 m trở lên.
Chúng tôi cũng đang rà soát các quận, huyện có những tên đường đánh số trùng nhau, đường chưa có tên… Trên cơ sở đó, Sở VH&TT sẽ phối hợp cùng Sở GTVT, các sở, ngành, quận, huyện liên quan để thực hiện quy trình đặt tên đường trong thời gian tới.
Thực tế việc đặt, đổi tên đường của TP.HCM xáo trộn do nhiều giai đoạn. TP.HCM sau năm 1975 là nhập của Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định nên trên các địa bàn này khó tránh khỏi tên trùng nhau. Và cho tới năm 2005, Nghị định 91 của Chính phủ về đặt, đổi tên đường mới ban hành (Nghị định 91/2005/NĐ-CP về quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng - PV). Chính vì thế, rất nhiều tên đường ở TP.HCM do người dân, chính quyền địa phương tự đặt trước thời điểm đó còn tồn tại.
Trùng tên đường ở TP.HCM hiện nay có nhiều hình thức: Trùng một nhân vật lịch sử có nhiều tên gọi, tước hiệu, bút hiệu, miếu hiệu, tên thật… như Quang Trung - Nguyễn Huệ…; trùng một tên ở các quận như Lê Quang Định quận 5 và Lê Quang Định quận Bình Thạnh, Phan Văn Trị quận 5 và Phan Văn Trị quận Bình Thạnh… Và những năm 1999-2000, còn có ngay trên một quận cũng trùng tên đường.
Tất cả điều này, Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM để làm sao tránh những con đường trùng tên trên địa bàn TP. Theo đó, hội đồng tư vấn đổi làm sao để TP.HCM chỉ có một tuyến đường duy nhất mang tên một nhân vật lịch sử, kể cả tên gọi khác nhau của nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, sau xem xét, lãnh đạo TP.HCM có thống nhất rằng nếu đổi như thế sẽ có quá nhiều xáo trộn đến đời sống người dân, các tổ chức, cá nhân trên tuyến đường đó phải thay đổi… Nên thời điểm đó UBND TP chỉ chấp thuận phương án đổi những tên đường trùng tên trên cùng một quận. Lúc đó chúng tôi đã đổi tên 26 tuyến đường trùng tên trên cùng một quận và tạm thời chấp nhận trùng tên đường giữa các quận đến nay.
Và tất cả việc đặt, đổi tên đường hiện nay đều phải tránh tối đa việc gây xáo trộn đời sống của người dân.
Tên đường số bị trùng cũng sẽ đổi
. Có nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM nên quy hoạch tên đường theo các khu vực văn sĩ, nhân sĩ cùng giai đoạn lịch sử, cùng thời kỳ, đơn cử như khu Ngô Thời Nhiệm, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan… của quận 3?
+ Việc đặt tên đường ở TP.HCM hay các tỉnh, thành đều thực hiện theo Nghị định 91 của Chính phủ và quy chế hoạt động của Hội đồng đặt, đổi tên đường địa phương. Theo đó, trong quá trình đặt tên đường cố gắng đặt tên các nhân vật lịch sử cùng thời, các sự kiện lịch sử gắn liền với nhân vật lịch sử vào cùng một khu vực; hoặc cụm tên đường theo các lĩnh vực hoạt động như nhà văn, nhà khoa học, nhà giáo, anh hùng liệt sĩ… Mục tiêu làm sao khoa học, dễ nhớ, dễ tìm hiểu về các tuyến đường. Ví dụ như địa danh Cây Bàng thì phải ở quận 4, địa danh Thủ Thiêm phải đặt ở Thủ Thiêm, quận 2; hay sự kiện lịch sử Cách Mạng Tháng Tám gắn với Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp gắn với Điện Biên Phủ…
. Có nhiều ý kiến cho rằng dẫu theo thói quen gọi dân dã của người dân nhưng rất nhiều tên đường xấu, khó làm ăn thì nên bỏ. Ông nghĩ sao?
+ Trong đợt rà soát ở các quận, huyện, Sở VH&TT cũng yêu cầu rà soát những đường tên xấu mà theo dân gian là khó để kinh doanh như: Đường Kênh Nước Đen ở phường Tân Quý, quận Tân Phú (đường này vốn là kênh nhỏ nhưng dân ở xâm lấn, đổ phế thải làm kênh tắc nghẽn, nước tù đọng đen nên dân gọi là kênh Nước Đen, con đường bên kênh được quen gọi thành Kênh Nước Đen - PV); đường Cống Lở ở phường 15, quận Tân Bình (vốn là đường xóm có cống băng qua, nước chảy mạnh làm cống lở nên dân quen gọi là đường Cống Lở - PV)…
Bên cạnh đó, những tên đường số trùng ở các quận do đánh số theo các khu dân cư mới cũng sẽ được khảo sát để thay đổi cho phù hợp.
Từng bước số hóa thông tin đường phố
. Hiện quỹ tên đường của TP.HCM có đủ cho tên đường trên địa bàn TP.HCM không, thưa ông?
+ Quỹ tên đường TP.HCM hiện còn trên 1.000 tên là danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử… Hội Di sản văn hóa TP cũng đang phối hợp cùng sở biên soạn 110 tên nhân vật lịch sử, địa danh, sự kiện lịch sử để sắp tới trình cho Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM xin ý kiến bổ sung vào quỹ tên đường TP.
. Sở GTVT cùng Sở VH&TT vừa phối hợp thực hiện thí điểm QR code trên các tuyến đường ở quận 1, đây được xem là bước đầu của đề án số hóa thông tin đường phố trên địa bàn TP.HCM?
+ Sở GTVT đã có đề án gửi Sở VH&TT nội dung những nhân vật lịch sử tên đường để làm ứng dụng tên đường phố ở TP.HCM. Hiện Sở VH&TT đã thực hiện cung cấp tư liệu trên địa bàn quận 1 để làm, sau đó tiếp theo các quận.
Hiện nay Sở VH&TT, Sở KH&CN TP.HCM cũng đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án Đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM. Giai đoạn này sẽ hiện thực hóa ứng dụng công nghệ thông tin trên tên đường. Gần 1.400 tuyến đường của TP.HCM sẽ được số hóa để khi người dân xem thông tin có thể biết ý nghĩa lịch sử tên đường, trên tuyến đường có công trình văn hóa gì, di tích lịch sử nào…
. Xin cám ơn ông.
Tốp những tên đường trùng nhiều nhất giữa các quận ở TP.HCM | |
Phan Chu Trinh | Quận 1, Bình Thạnh và Tân Phú |
Nguyễn Thái Học | Quận 1, Bình Thạnh và Tân Phú |
Chu Văn An | Quận 6, Bình Thạnh và Tân Phú |
Thống Nhất | Quận Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú |
Huỳnh Tịnh Của | Quận 3, Bình Thạnh và Tân Bình |
Tân Thành | Quận 5, Tân Phú và Tân Bình |
Nguyễn Trường Tộ | Quận 4, Phú Nhuận và Tân Phú |
Lý Thường Kiệt | Kéo dài từ quận 5 sang quận 10, 11, Tân Bình và còn có ở quận Tân Phú |
(PLO)- Sở VH-TT TP.HCM vừa cho biết hiện trên địa bàn TP có 38 tên đường không chính xác.