TP.HCM sẽ sử dụng xe buýt điện để chạy tuyến buýt nhanh

(PLO)- Đề xuất sử dụng xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh ở TP.HCM đã được Sở GTVT TP.HCM chấp thuận, song vẫn yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu và làm rõ một số nội dung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP.HCM cho biết Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã đề xuất lựa chọn loại hình phương tiện sử dụng nhiên liệu điện cho xe buýt nhanh thuộc Dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM.

Theo đó, Ban Giao thông đề xuất lựa chọn xe buýt điện. Đồng thời, Ban Giao thông có phân tích, so sánh và nêu các ưu, khuyết điểm giữa loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu khí nén tự nhiên (CNG) và xe buýt sử dụng điện.

Cụ thể, về ưu điểm của xe buýt điện là thân thiện với môi trường, xe vận hành không tiếng ồn, không thải ra khói bụi gây ô nhiễm môi trường và gây hiệu ứng khí nhà kính. Chi phí vận hành, bảo dưỡng tiết kiệm hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong. Việc sử dụng xe buýt điện là phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ ô tô hiện nay.

TP.HCM đang nghiên cứu để sử dụng xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh TP. Ảnh: ĐT.

TP.HCM đang nghiên cứu để sử dụng xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh TP. Ảnh: ĐT.

Tuy nhiên, về hạn chế xe buýt điện có chi phí đầu tư ban đầu của xe buýt điện thời điểm hiện nay là tương đối cao so với xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG. Theo tính toán sẽ cao hơn khoảng từ 1,5 đến 3 lần.

Không chỉ vậy, việc đầu tư hệ thống bãi đỗ xe và hạ tầng trạm sạc đảm bảo đáp ứng nhu cầu nạp điện cho đoàn phương tiện với chi phí tương đối lớn. Bên cạnh đó, khả năng cung ứng xe buýt điện tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế.

Tuy nhiên hiện đã có một số đơn vị sản xuất xe trong nước đã làm chủ được công nghệ sản xuất xe buýt điện (VinFast, Tracomeco, Trường Hải Auto) nên việc đầu tư mua sắm xe buýt điện là khả thi.

Trước kiến nghị của Ban Giao thông, Sở GTVT đã nghiên cứu và đề nghị ban này giải trình bổ sung để làm cơ sở tham mưu, báo cáo UBND TP.HCM.

Trong đó, cần so sánh chi phí đầu tư cho cả vòng đời giữa hai loại phương tiện xe buýt điện và xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (bao gồm chi phí đầu tư ban đầu, chi phí vận hành, chi phí bảo dưỡng).

Tìm hiểu phương án đầu tư hệ thống hạ tầng trạm sạc cho xe buýt điện và xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG: Từ vị trí, diện tích bãi đỗ có lắp đặt hạ tầng trạm sạc; chủ thể đầu tư, kinh phí đầu tư...

Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay TP.HCM đang có 2.043 xe buýt tham gia hoạt động trên 127 tuyến. Trong đó 1.547 xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel, và 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình hoạt động của xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG đang có một số khó khăn, vướng mắc.

Trong đó có việc chi phí đầu tư mua mới xe buýt CNG có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu diesel từ 20% đến 50% nên hạn chế việc đầu tư của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Từ tháng 3-2021, Sở GTVT đã tham mưu UBND TP.HCM chấp thuận thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với dự kiến 77 xe buýt điện hoạt động trên địa bàn TP. Hiện nay đã chạy 1 tuyến, sắp tới sẽ tiếp tục hoạt động 4 tuyến buýt điện tiếp theo.

Sở GTVT TP.HCM cũng nhận định báo cáo và đề xuất của Ban Giao thông là phù hợp dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM. Trong đó, đề xuất này phù hợp với mục tiêu và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon của ngành giao thông vận tải.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện cũng được Bộ GTVT chấp thuận và phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch tại TP.HCM.

Sở GTVT nhận thấy xu thế chuyển đổi từ xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sạch là xu thế tất yếu; phù hợp với sự phát triển về công nghệ trên thế giới và sự cạn kiệt về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần.

Do đó, để triển khai thực hiện phát triển hiện đại hóa và bền vững, Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước, các sở ngành liên quan nghiên cứu tham mưu UBND TP.HCM.

Từ đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển mạng lưới, số lượng xe buýt nói chung và xe buýt điện nói riêng cho từng giai đoạn phát triển cụ thể. Tuy nhiên, việc lựa chọn xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh này, Sở GTVT cho rằng vẫn còn tồn tại một số nội dung.

Cụ thể, về thông số kỹ thuật thiết kế xe buýt điện cho tuyến buýt nhanh cần xem xét thông số thiết kế xe không quá đặc thù ảnh hưởng đến quá trình sản xuất xe. Hệ thống hạ tầng trạm sạc, bảo trì bảo dưỡng phương tiện phải được đầu tư song hành với việc phát triển xe buýt điện.

Công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp xe và dịch vụ vận tải hành khách công cộng cho tuyến xe buýt nhanh sẽ khó triển khai do liên quan đến hệ thống pháp lý về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chi phí cho loại hình xe buýt điện. Nguyên nhân là do đây là loại hình mới phát triển nên chưa có định mức, đơn giá làm cơ sở lập dự toán kinh phí đấu thầu.

Song song, chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện là cao hơn so với xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel và xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG. Từ đó, sẽ dẫn đến kinh phí trợ giá trong quá trình vận hành cao hơn và việc áp mức giá sử dụng điện cho xe buýt điện cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển loại phương tiện này.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao chủ đầu tư phối hợp các bên nghiên cứu thông số thiết kế xe điện phù hợp với buýt nhanh. Đồng thời, về phía Ban Giao thông cũng cần xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng buýt nhanh để lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm