Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) TP.HCM vừa hoàn thành giai đoạn 1 đề án khoa học “Định hướng phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đề án, TP.HCM sẽ thí điểm chuyển đổi bốn khu công nghiệp (KCN) Cát Lái, Tân Bình, Hiệp Phước, Bình Chiểu và Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận.
Mô hình mới của năm KCX-KCN trong tương lai
Theo đề án, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP sẽ thí điểm chuyển đổi năm KCN-KCX. Theo đó, KCX Tân Thuận (quận 7) từ nay đến kết thúc thời hạn thuê đất vào năm 2041 sẽ chuyển đổi theo hướng thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Sau năm 2041, TP sẽ giữ quỹ đất KCX dành cho phát triển công nghiệp với tiêu chí thu hút đầu tư theo định hướng của TP.
KCN Cát Lái (TP Thủ Đức) được đề xuất chuyển đổi thành KCN chuyên ngành logistics. Trong đó, diện tích đất quy hoạch ngành logistics thuộc một phần của Trung tâm Logistics số 2 (Trung tâm Logistics Cát Lái) nằm ở phía đông nam TP, dự kiến khoảng 200-292 ha.
Một góc Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG |
KCN Tân Bình (quận Tân Phú - Bình Tân) sau khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2047 tiếp tục phát triển theo mô hình KCN - dịch vụ. Trong đó, KCN được đầu tư theo mô hình KCN công nghệ cao. Nơi đây sẽ khuyến khích doanh nghiệp hiện hữu đổi mới công nghệ, chuyển đổi một phần khu nhà xưởng thành các kho logistics để phục vụ nhu cầu phát triển của ngành giao nhận hàng hóa, giảm các ngành ô nhiễm môi trường.
KCN Bình Chiểu (TP Thủ Đức) sẽ chuyển đổi theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nhà xưởng cao tầng, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành công nghệ cao, phát triển hậu cần logistics.
Theo đó, sau khi hết thời hạn thuê đất vào năm 2048, nơi đây sẽ phát triển theo hướng dịch vụ (logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế…) do diện tích KCN nhỏ và nằm trong khu dân cư. Một phần diện tích phù hợp theo quy hoạch sẽ được giữ lại; diện tích còn lại sẽ chuyển đổi, phát triển theo hướng dịch vụ phục vụ công nghiệp.
Riêng KCN Hiệp Phước sẽ chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái. Sau khi chuyển đổi sẽ xây dựng phân khu công nghiệp hỗ trợ 200 ha trong KCN Hiệp Phước giai đoạn 2, triển khai khu dân cư phục vụ KCN Hiệp Phước để đầu tư hạ tầng xã hội phục vụ KCN.
Sau khi hết thời hạn thuê đất nhà nước vào năm 2046 (đối với giai đoạn 1) và năm 2058 (đối với giai đoạn 2), quỹ đất KCN sẽ được giữ lại để dành cho phát triển công nghiệp với tiêu chí thu hút đầu tư theo định hướng của TP.
Theo Viện NCPT, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục chuyển đổi các KCN-KCX còn lại theo định hướng phát triển các KCX-KCN TP.HCM giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện NCPT, giai đoạn 1 của đề án viện đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của sở, ngành, chuyên gia và hoàn thiện nội dung. Hiện nay, viện đã gửi báo cáo nghiên cứu để UBND TP có ý kiến chỉ đạo.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, giai đoạn 1 của đề án viện đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của sở, ngành, chuyên gia và hoàn thiện nội dung, trình TP xem xét chỉ đạo.
Chuyển đổi là tất yếu
Viện NCPT TP.HCM cho rằng trước bối cảnh phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các yếu tố lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, cần tái cấu trúc các KCN-KCX để hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động, chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, có năng suất lao động, hàm lượng tri thức cao...
“Cần quy hoạch các KCN mới, xây dựng lộ trình chuyển đổi từng KCN-KCX hiện hữu sang các mô hình KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đây là hướng đi đúng đắn, đáp ứng được các nhu cầu phát triển hiện tại trong bối cảnh số, thu hút các dự án lớn, phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ và đổi mới sáng tạo” - báo cáo của viện nêu.
Cũng theo Viện NCPT, thời gian qua, việc vận hành ngành công nghiệp TP.HCM từ các yếu tố đầu vào cho đến thị trường đầu ra chủ yếu dựa vào lợi thế tự nhiên và điều chỉnh của thị trường chứ không phải do từ chính quyền TP hay chính sách vĩ mô.
Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất và tốc độ tăng giá trị gia tăng của một số ngành công nghiệp trọng yếu thấp hơn của toàn ngành công nghiệp và của nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Như vậy, ngành công nghiệp TP đang đứng trước nguy cơ mất dần vị thế dẫn đầu, xét trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự trỗi dậy của các địa phương khác.
“Mặt khác, ngành công nghiệp TP khó phát triển đột phá do đã mở rộng quy mô sản xuất đạt đến ngưỡng gần cực đại (đất đai, tài nguyên…). Vì vậy, chiến lược phát triển ngành trong tương lai cần đi theo chiều sâu, dịch chuyển các hoạt động công nghiệp để làm chủ những công đoạn có giá trị gia tăng trên chuỗi giá trị hàng hóa của khu vực và toàn cầu” - viện đánh giá.•
TP.HCM có ba KCX và 14 KCN trong 30 năm
Sau hơn 30 năm phát triển, TP.HCM có ba KCX và 14 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 81%, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế TP.
Các KCN-KCX thu hút được hơn 1.694 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,43 tỉ USD, trong đó vốn FDI chiếm tỉ trọng 55,67%. Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của KCN-KCX đạt 7 tỉ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Các KCX-KCN đã đóng góp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động.