UBND TP.HCM vừa có văn bản giải trình ý kiến của đại biểu HĐND TP về việc thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn TP, trong đó có việc bố trí vốn cho các công trình trùng tu di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật (LSVHNT).
Nhiều di tích xuống cấp
“Hiện nay nhiều di tích LSVHNT đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để sửa chữa, xây dựng. Vậy xin hỏi khi nào được bố trí vốn để kịp thời trùng tu, sửa chữa các di tích bị xuống cấp nghiêm trọng này?” - ý kiến đại biểu HĐND TP chất vấn được nêu trong văn bản của UBND TP.
Giải trình về các di tích LSVHNT xuống cấp, UBND TP cho biết ngày 31-3-2021, Sở VH&TT TP ban hành Kế hoạch 898 về việc tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025. Đến ngày 17-6-2022, Sở VH&TT TP tiếp tục có công văn gửi Sở KH&ĐT TP về bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có đề xuất đối với các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích chưa được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở đó, Sở VH&TT TP và UBND các quận, huyện đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình các cấp có thẩm quyền với tám dự án ưu tiên, tổng mức đầu tư ước tính là 440 tỉ đồng.
Theo UBND TP, hiện nay các chủ đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các dự án ưu tiên gồm di tích Giồng Cá Vồ, đình Chí Hòa, Bảo tàng Lịch sử, chùa Giác Viên, đình Xuân Hiệp, đình Linh Đông.
Bên cạnh đó còn 12 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ để trình thẩm định các di tích làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. 12 dự án gồm các đình Tân Túc, Phú Lạc, Bình Trường, Trường Thọ, Linh Tây, Bình Thọ, trại giam BV Chợ Quán, khách sạn Continental, công trình số 14 Cách Mạng Tháng Tám, chùa Giác Lâm, hội quán Hà Chương, hội quán Lệ Châu.
Đồng thời, TP cũng đang khảo sát, lập phương án đầu tư đối với 11 dự án: Di tích khảo cổ quốc gia lò gốm Hưng Lợi, các đình Nam Tiến, Tán Quy Đông, Vĩnh Hội, Tân Hòa Tây, Hòa Thạnh, Tân Hội, Xuân Hòa, miếu Sa Tân, kho bom Phú Thọ, khu di tích Dân công hỏa tuyến...
“Tuy nhiên, với số lượng di tích xuống cấp nhiều cần tu sửa cấp thiết, nguồn vốn ngân sách có hạn, do đó trong thời gian qua, Sở VH&TT TP đã tiếp tục phối hợp với các quận, huyện khảo sát lại di tích và đưa vào thứ tự ưu tiên như Bảo tàng Mỹ thuật, đình Tân Quy Đông, lò gốm Hưng Lợi... để Sở KH&ĐT TP cân đối bố trí vốn khẩn cấp” - văn bản UBND TP giải trình nêu rõ.
|
Bảo tàng Lịch sử là một trong các dự án được ưu tiên triển khai thực hiện trùng tu, sửa chữa. Ảnh: KIÊN CƯỜNG |
Gia cố ngay các di tích có khả năng sụp đổ
UBND TP cũng cho biết Sở VH&TT TP cũng đang trình UBND TP cho phép chủ trương tu sửa cấp thiết các di tích bằng kinh phí sự nghiệp hằng năm của sở để tiến hành gia cố, gia cường kịp thời các di tích có khả năng sập đổ. Ngoài ra, đối với các dự án tu bổ di tích sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Sở KH&ĐT TP đã tham mưu trình UBND TP trình HĐND TP bố trí vốn cho nhiều dự án.
Cụ thể là khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (giai đoạn 3, bố trí 100 triệu đồng), cải tạo, nâng cấp nội dung trưng bày không gian đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (100 triệu đồng).
Tiếp đó là bố trí vốn cho dự án tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí di tích lịch sử trụ sở phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến Sài Gòn (1955-1958), dự án tu bổ, tôn tạo, tái hiện, xây dựng mới di tích lịch sử cấp quốc gia khu trại giam BV Chợ Quán, nơi đồng chí Trần Phú hy sinh.
Đồng thời, các dự án khác cũng được bố trí vốn như dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; cải tạo, sửa chữa đền thờ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh…
Nhiều di tích đã hư hỏng nặng
Đình Tân Túc (thị trấn Tân Túc) được xây dựng năm 1836, trong khu đất rộng 3.300 m2, bên sông Chợ Đệm. Đình là di tích lịch sử cấp TP có nhiều giá trị lịch sử với vùng đất Bình Chánh. Năm 1930, đây là nơi hội họp của xứ ủy Nam kỳ. Sau hơn trăm năm tồn tại đến nay theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM đình đã hư hỏng nặng theo thời gian, khoảng sân phía trước gạch vỡ ngổn ngang, các mảng tường rêu phong, không còn giữ được màu sắc nguyên thủy. Hiện toàn bộ hạng mục, cấu trúc cột kèo, rui, mè, tường ngăn, mái ngói… đã hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
|
Đình Tân Túc ở huyện Bình Chánh đã xuống cấp. Ảnh: VĂN HÀ |
Ông Huỳnh Văn Hà, Trưởng ban quản lý đình Tân Túc, nói: “Dãy cột mặt sau đình cũng được chống đỡ tạm để giữ mái ngói. Mưa dột dữ lắm, không sao che chắn cho khỏi mục nát mấy hàng rui, kèo mái phía trên, phía mặt tiền thì mỗi lần mưa hay triều cường dâng lên là ngập lênh láng”.
Hay như di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8) nằm trong khu dân cư đang phát triển đô thị hóa, có nhiều hộ dân sinh sống. Phần mái che vị trí khai quật trước đây đã sập hoàn toàn, nền di tích không có hệ thống thoát nước và di tích nằm gần kênh rạch, do đó thường hay ngập úng, cây cỏ mọc bao phủ bên trên lò gốm. HÀ THƠ