TP.HCM - Sức bật từ khát vọng phục hồi 2022

(PLO)- Chính quyền TP.HCM luôn lắng nghe và mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của doanh nghiệp bằng những hành động thực chất, cụ thể.

TP.HCM bước vào năm 2022 với nhiều triển vọng phát triển mới khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đời sống kinh tế - xã hội đang từng bước được phục hồi. Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM nhân dịp năm mới 2022, ông Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, cho biết: TP.HCM đã bước qua năm 2021 với những biến động rất lớn trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, do tác động của đại dịch COVID-19. 

 Đến nay, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp... có thể khẳng định TP.HCM đã kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần thứ 4, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế, sinh kế của người dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và cũng mở ra triển vọng phát triển trong các năm tới.

 

. Phóng viên: Thưa ông, những chỉ dấu và nguồn lực nào để chúng ta tin rằng kinh tế TP.HCM sẽ bật lên trong năm 2022, khi bước qua một năm đầy khó khăn do tác động bởi đại dịch?

+ Ông Lê Hòa Bình: Để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 (so với năm 2020 đạt 1,39%) lên 6 - 6,5% trong năm 2022 như mục tiêu đề ra, chúng tôi cho rằng đây là thách thức bao trùm đối với sự phát triển của kinh tế TP.HCM trong thời gian tới.

Tuy nhiên những điểm sáng về kinh tế trong các tháng cuối năm 2021 cho phép chúng ta có niềm tin lớn vào sự phục hồi mạnh mẽ kinh tế của TP.HCM trong năm 2022. Cụ thể, tổng thu ngân sách 2021 đạt gần 381.531 tỉ đồng (đạt 104,5% dự toán và tăng 2,73% so với cùng kỳ), tín dụng ngân hàng tăng trưởng ổn định; đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 7,23 tỉ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ; lượng kiều hối về TP đạt 6,6 tỉ USD, tăng 9% so với cùng kỳ;…

Cùng với việc vận dụng hết “công suất” của các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách TP được giữ lại trong giai đoạn 2022 - 2025, đến việc đề xuất cho phép TP được tăng mức trần nợ công của TP thông qua cơ chế phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, nguồn lực để TP.HCM đầu tư phát triển sẽ đa dạng hơn.

Quan trọng hơn hết là nền tảng kinh tế, sức sống của hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN) đang hiện hữu và nhiều DN thành lập mới, họ đang trụ vững và quay lại thị trường. Có được điều này là do DN đã nhanh chóng “chuyển mình” thích ứng, linh hoạt, mạnh mẽ trong chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, cùng với truyền thống năng động, sáng tạo, khát khao phục hồi và phát triển. Chúng tôi tin rằng nếu tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, hỗ trợ hiệu quả hơn thì kinh tế TP.HCM có thể đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Tất nhiên chặng đường phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại, thậm chí là lực cản, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và tương lai có thể sẽ có nhiều biến chủng khác.

Điều đó sẽ tiếp tục tạo áp lực rất lớn lên hệ thống phòng dịch và ảnh hưởng trực tiếp đến sự vận hành của kinh tế TP.HCM. Với những bài học kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác phòng, chống dịch, TP sẽ phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để đời sống kinh tế - xã hội được vận hành một cách tích cực nhất.

. Vậy trong công tác phòng chống dịch COVID-19, TP.HCM đã có những phương án chuẩn bị thế nào để có thể cùng lúc đảm bảo được hai mục tiêu trên?

+ TP.HCM xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN”. Có thể thấy ngay trong chủ đề năm TP đã xác định rõ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để kiểm soát hiệu quả dịch, TP.HCM đưa ra sáu giải pháp chiến lược:

(1) Bao phủ vaccine phòng COVID-19 đến từng người dân TP. Đây là điều kiện quan trọng để thích ứng an toàn. Do vậy, TP.HCM đã tập trung rà soát tiêm vét cho những người chưa tiêm, tiêm mũi 2 cho những trường hợp đến hạn, mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh nền và hoàn thành trong thời gian nhanh nhất có thể.

TP cũng tập trung thực hiện chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19, hạn chế tối đa tỉ lệ diễn biến nặng, tử vong ở mức cao nếu lây nhiễm.

(2) Kiểm soát, cảnh báo dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới. Xây dựng các kịch bản và phương án bảo đảm phòng, chống dịch theo từng cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ.

(3) Quản lý và chăm sóc F0 tại nhà, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn và phát huy các đội hình như trạm y tế lưu động, đội phản ứng nhanh, mạng lưới tư vấn online... để chăm sóc bệnh nhân. Huy động mọi nguồn lực tham gia chăm sóc F0 tại nhà như các phòng khám và nhà thuốc tư nhân, các bác sĩ gia đình, nhân viên y tế đã nghỉ hưu; kết hợp quân - dân y, đông - tây y… Với giải pháp này, khi người dân mắc COVID-19, tổ y tế lưu động sẽ nhanh chóng tư vấn, hỗ trợ ngay, không để F0 chuyển nặng, tử vong.

(4) Điều trị F0 tại các bệnh viện; (5) Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong phòng, chống dịch.

(6) Nâng cao năng lực phòng, chống dịch, nhất là củng cố năng lực hệ thống y tế cơ sở. Chú ý chăm lo sức khoẻ thể chất, tinh thần của người dân, đặc biệt là người sau nhiễm COVID-19. TP.HCM sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, để làm sao đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời và hiệu quả dịch bệnh...

Trước mắt, TP.HCM sẽ tập trung giám sát và xử lý đối với biến chủng mới Omicron. Trong đó, tập trung tăng cường giám sát, kiểm dịch tại cửa khẩu hàng không, hàng hải; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc biến chủng Omicron tại địa bàn dân cư, cơ quan, xí nghiệp, DN.

 

. “Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN” là nội dung rất quan trọng được nêu bật trong chủ đề 2022 của TP.HCM, nhằm góp phần mạnh mẽ vào mục tiêu phục hồi kinh tế của TP. Vậy, TP.HCM đưa ra những giải pháp nào để thực hiện nội dung này, thưa ông?

+ Chính quyền TP.HCM luôn lắng nghe và mong muốn giải quyết mọi khó khăn chính đáng của DN bằng những hành động thực chất, cụ thể để có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của Tổ Công tác về đầu tư, Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án sử dụng đất ngoài ngân sách,… Từ đó, góp phần xây dựng môi trường đầu tư của TP.HCM ngày càng minh bạch và thông thoáng.

Trong năm 2022, TP.HCM sẽ rà soát các chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả các DN lớn ở trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.

TP cũng sẽ tăng cường chuỗi liên kết giữa các DN nhỏ và vừa, giữa DN nhỏ và vừa với DN FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt trong chuỗi giá trị; nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật cũng như vốn để có thể đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Chính quyền TP.HCM cũng sẽ chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết như đất đai, thủ tục... nhằm khuyến khích, mời gọi, hỗ trợ để hình thành các DN có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế. Đồng thời hỗ trợ DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường.

Cùng với đó, TP.HCM cũng yêu cầu từng cơ quan, đơn vị rà soát khắc phục ngay các “điểm nghẽn” trong thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Việc cải thiện môi trường đầu tư không thể không nhắc đến các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh trên địa bàn và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (phấn đấu đưa TP vào nhóm năm địa phương đứng đầu cả nước về PCI giai đoạn 2021 – 2025).

. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các DN của TP.HCM đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vậy, TP.HCM có chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh ra sao, thưa ông?

+ Chính quyền TP.HCM đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện bốn giải pháp hỗ trợ DN trong năm 2022 nhằm phục hồi sức sống và tạo ra những động lực phát triển mới cho cộng đồng DN.

Thứ nhất là hỗ trợ về tín dụng. TP.HCM tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn theo tinh thần Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - DN, chương trình bình ổn giá; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn DN và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho DN trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động. TP.HCM triển khai chính sách hỗ trợ về gia hạn thời hạn nộp thuế; thủ tục thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh và kịp thời. Triển khai chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của TP.

Thứ ba là hỗ trợ mở rộng thị trường. Chính quyền TP.HCM thường xuyên trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm chia sẻ, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng ổn định trở lại.

Thứ tư là hỗ trợ DN chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực. Để làm việc này, TP.HCM sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các DN ứng dụng công nghệ, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến. Hỗ trợ đào tạo người lao động trong các DN nhỏ và vừa, tiếp tục thu hút nguồn lao động từ các tỉnh thành khác trở lại TP.HCM làm việc...

TP cũng sẽ tổ chức ít nhất bốn hội thảo phổ biến, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho cộng đồng DN nhằm giúp họ tận dụng các cơ hội xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm. Chuẩn bị tạo "mặt bằng sạch", nguồn cung lao động, hạ tầng kết nối, đẩy nhanh tiến độ cấp phép các dự án đầu tư trong nước.

. TP.HCM xác định thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 và đây là thời điểm thích hợp, cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số, giúp TP đi đầu trong xây dựng nền kinh tế số. Việc này đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

+ Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã làm bộc lộ một số vấn đề lớn đối với TP.HCM. Đó là vấn đề quản trị TP trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị TP và từ đổi mới công tác quản trị tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng TP trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, TP.HCM xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Từ tháng 7-2020, TP đã đề ra chương trình chuyển đổi số với 10 lĩnh vực tập trung, gồm y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công TP. Trong đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt trên 50%. Mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 95%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt trên 90%.

TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của TP. Đây là mục tiêu khá kỳ vọng và thách thức, do vậy, TP sẽ có lộ trình, bước đi và những giải pháp hết sức khả thi để thúc đẩy được chuyển đổi số, tăng tỉ trọng của kinh tế số trong GRDP.

Trong năm 2021, có thể khẳng định rằng dịch COVID-19 vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội; đã thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên địa bàn TP. Các mô hình kinh doanh trực tuyến, hội nghị trực tuyến, dịch vụ internet, viễn thông… tăng đột biến. Lần đầu tiên, hàng loạt giải pháp công nghệ đã được triển khai trên quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất: Hệ thống khai báo y tế điện tử bằng mã QR; hệ thống quản lý tiêm vaccine phòng COVID-19; hệ thống Bản đồ số; hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ Trung ương đến cấp phường, xã, thị trấn.

Cùng với đó, Tổng đài 1022 đã triển khai nhanh các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như callbot, chatbot trong chăm sóc F0, tiếp nhận hàng trăm nghìn cuộc gọi/ngày; nhiều địa phương xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh để phòng chống dịch và điều hành hoạt động; thử nghiệm mạng 5G tại TP Thủ Đức.

Từ những kết quả đó, trong năm 2021, TP.HCM đứng thứ 5/63 tỉnh, thành trong cả nước về chuyển đổi số.

. Những điểm nhấn nào về phát triển kinh tế số sẽ được tập trung thực hiện trong năm 2022, thưa ông?

+ Trong năm 2022, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị TP, sản xuất kinh doanh và tổ chức xã hội. Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thông hiện đại (từ thế hệ thứ 5 và các thế hệ sau), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, công nghệ chuỗi giá trị (blockchain), đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử...

Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho DN trong mọi lĩnh vực, xây dựng kinh tế số và xã hội số thiết thực hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, chuyển đổi số các ngành ưu tiên như y tế, giáo dục, dân cư, lao động, nhà ở,... Tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Có thể khẳng định chuyển đổi số hiện có sứ mệnh mới, trong đó cần sáng tạo và ứng dụng những giải pháp công nghệ số để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm góp phần phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến suy thoái kinh tế.

Để hoàn thành được những mục tiêu trên, TP.HCM xác định con người là yếu tố then chốt, là chủ thể của chuyển đổi số. Cùng với đào tạo, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, TP cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường sự tham gia của DN và người dân vào việc chuyển đổi số…

. Trân trọng cảm ơn ông.

-----

Ảnh: HOÀNG GIANG - NGUYỆT NHI

Thiết kế: ĐÔNG TRÚC

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới