Bà Thu yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là tổ chức đối thoại định kỳ, tổ chức hội nghị người lao động.
Bà Thu cũng đề nghị Liên đoàn Lao động TP.HCM tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn; nắm bắt kịp thời những phản ánh của người lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết số doanh nghiệp đã xây dựng quy chế đối thoại và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ngày càng tăng. Năm 2013 có 3.569 doanh nghiệp thì đến nay đã có 12.209 doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đạt tỉ lệ 71,6%. Các vụ đình công có xu hướng giảm dần, năm 2013 toàn TP có 97 vụ đình công nhưng đến năm 2018 chỉ còn 25 vụ.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhìn nhận việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc còn nhiều hạn chế, tỉ lệ doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ còn thấp, chưa đồng đều, chủ yếu ở những doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và tập trung ở loại hình doanh nghiệp nhà nước.