TP.HCM: Tăng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn.

Kế hoạch hành động đã đưa ra các mục tiêu cụ thể nhưng để đạt được mục tiêu thì TP.HCM cần tăng cường thực hiện các giải pháp.

Giao thông vận tải là một trong những hoạt động tăng phát thải khí nhà kính. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu

TP.HCM đã đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế. Theo đó, TP.HCM sẽ lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và TP, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực dễ bị tổn thương.

Thời gian qua, TP đã ban hành “Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TP.HCM”. Một trong những giải pháp được đặt ra trong thỏa thuận này là cần phải tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ.

TP.HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia giao lưu thương mại và xúc tiến đầu tư với các nước trên thế giới trong chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH.

TP.HCM sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công - tư (PPP) nhằm huy động mạnh mẽ và hiệu quả hơn mọi nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa.

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn

Để giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cần thiết. Việc chuyển đổi này là cơ hội lớn để phát triển bền vững, nó không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường mà còn có thể ứng phó với BÐKH một cách hiệu quả. Việc chuyển đổi cũng nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tiêu dùng những mặt hàng sử dụng một lần không cần thiết.

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá: “Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện được nhiều giải pháp có hiệu quả. Điển hình, chúng ta đã cải tạo hệ thống thoát nước và đã giảm được phát thải bằng cách giảm những phương tiện giao thông cũ nát…”.

Theo GS-TS Lê Thanh Hải, để giảm phát thải, chúng ta nên xem xét các nguồn phát thải hiện nay đang chi phối chất lượng môi trường ở các địa phương. Cụ thể, phải giảm thiểu phát thải từ giao thông, đối với nước thải thì cần thực hiện những quy hoạch xử lý nước thải theo kế hoạch đã có.

Ngoài ra, theo ông Hải, để giảm phát thải thì nên chú ý đến vấn đề liên quan việc thu gom, xử lý rác. Hiện nay, chúng ta vẫn thực hiện chủ yếu là chôn lấp nhưng việc chôn lấp cũng tạo ra phát thải khí nhà kính vì nó không thật sự an toàn. Chính vì vậy nên áp dụng những giải pháp như dùng rác để làm phân bón, đốt rác phát điện… hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ĐH Quốc gia TP.HCM), để giảm phát thải nên lồng ghép các chương trình giảm phát thải vào những dự án, mô hình sản xuất trên các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp. Cạnh đó, chúng ta cần chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn.

“Để giảm phát thải, chúng ta có thể lồng ghép dự án vào các chương trình công của TP như mua sắm tiêu dùng xanh, trồng cây xanh. Ngoài ra, hiện nay nhiều nơi sản xuất nông nghiệp theo mô hình sinh thái, điều này ngoài việc tạo được những sản phẩm sạch còn có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính. Đối với rác thải, chúng ta có thể biến rác thành tài nguyên như làm phân bón, làm thức ăn cho gia súc…” - PGS-TS Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.

 

Tăng cường quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu

Mục tiêu được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về ứng phó với BĐKH; kế thừa và triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, dự án ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra.

Đồng thời, TP.HCM nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước về BĐKH, thúc đẩy lồng ghép thích ứng BĐKH và quy hoạch, kế hoạch. TP.HCM cũng tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới