TP.HCM thí điểm xã hội hóa 3 dự án dời nhà ven kênh

(PLO)- Ba dự án thí điểm di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 7, TP.HCM với số tiền hơn 40.000 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về thực hiện ba đề án thí điểm chỉnh trang đô thị, di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn quận 7 theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Các dự án được đề xuất thí điểm gồm dự án ao Song Tân hơn 21.240 tỉ đồng, dự án rạch Bần Đôn với 3.100 tỉ đồng và dự án sông Ông Lớn gần 15.000 tỉ đồng.

Nhà lụp xụp, tạm bợ, rác nổi lềnh bềnh tại khu vực ao Song Tân, quận 7. Ảnh: KC

Nhà lụp xụp, tạm bợ, rác nổi lềnh bềnh tại khu vực ao Song Tân, quận 7. Ảnh: KC

Lý do đề xuất thí điểm xã hội hóa

“Khu vực của các dự án trên phần lớn là nhà ở tạm bợ, bán kiên cố, hình thành các dãy nhà lụp xụp ven sông, tiềm ẩn nhiều rủi ro do triều cường và sạt lở bờ sông hằng năm, cần phải được di dời giải tỏa để cải tạo chỉnh trạng lại khu vực này, tạo diện mạo mới cho khu vực và quận” - văn bản của Sở Xây dựng TP nêu.

Theo Sở Xây dựng TP, ngoài ra trong khu vực còn có các công trình nhà kho, xí nghiệp tư nhân... cây xanh phần lớn là các cây bụi, cây dại mọc lên ở các bãi đất trống dọc ven sông rạch, những khu vực này có giá trị cảnh quan ven sông cần được khai thác hiệu quả để đem đến cuộc sống tốt hơn cho cư dân trong khu vực. Sở cũng cho biết giao thông kết nối đến khu vực cơ bản đã được đầu tư qua các tuyến đường chính như Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn, Hoàng Trọng Mậu, Lâm Văn Bền, Nguyễn Văn Linh...

Về chủ trương xã hội hóa đầu tư, Sở Xây dựng TP cho biết theo Quyết định 3837/2021 của UBND TP về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo đã xác định tuyến ao Song Tân và rạch Bần Đôn được thực hiện bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.

“Ngoài ra, tại các cuộc họp do Sở Xây dựng TP chủ trì thời gian qua về công tác này, các đơn vị dự họp nhận thấy việc UBND quận 7 đề xuất bổ sung thêm tuyến sông Ông Lớn để thực hiện xã hội hóa đầu tư là phù hợp với chủ trương của UBND TP trong tình hình hạn hẹp của nguồn vốn đầu tư công” - văn bản Sở Xây dựng TP nêu.

Dự án ao Song Tân có quy mô di dời 770 căn nhà. Phạm vi nghiên cứu 17,7 ha và diện tích đất thương mại dịch vụ, nhà ở cao tầng được khai thác 6,4 ha.

Dự án rạch Bần Đôn có quy mô di dời 659 căn nhà. Phạm vi nghiên cứu 20 ha và diện tích đất thương mại dịch vụ, nhà ở cao tầng được khai thác 3,1 ha.

Dự án sông Ông Lớn có quy mô di dời 853 căn nhà. Phạm vi nghiên cứu 20,2 ha và diện tích đất thương mại dịch vụ, nhà ở cao tầng được khai thác 5,3 ha.

Cả ba dự án đều dự kiến bố trí 1.000 căn nhà ở xã hội phục vụ tái định cư cho mỗi dự án.

Nhiều vấn đề cần lưu ý khi xã hội hóa

Về hành lang bảo vệ sông, kênh rạch, Sở Xây dựng TP cho biết UBND quận 7 đề xuất giảm hành lang bảo vệ kênh rạch xuống mức tối thiểu để gia tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc kênh rạch. Quỹ đất trên được sử dụng làm công trình dịch vụ, công viên và chuyển đổi một phần thành công trình thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, thu hút nhà đầu tư tham gia xã hội hóa (tối đa 10% diện tích đất trong hành lang bảo vệ rạch làm công trình thương mại dịch vụ).

Cụ thể, Sở Xây dựng TP đề xuất hành lang bảo vệ ao Song Tân và rạch Bần Đôn sẽ giảm từ 10 m xuống còn 3 m. Hành lang bảo vệ sông Ông Lớn sẽ giảm từ 30 m xuống còn 5 m.

Sở Xây dựng TP cũng cho biết các sở, ngành đều ủng hộ UBND quận 7 triển khai thực hiện đề án. Tuy nhiên, cần làm rõ, phân tích, đánh giá để chọn phương án xử lý đối với các mặt bằng nhà đất (trong khu vực ba dự án) do Nhà nước quản lý cho phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý tài sản công hoặc đất đai.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nói: “Tôi nghĩ làm dự án hạ tầng thì hơi khác biệt khi xã hội hóa, hình thức đầu tư nên có cả Nhà nước cùng làm chung với tư nhân, doanh nghiệp”.

Theo ông Cương, cảnh quan, khu vực ven sông, kênh rạch có giá trị lớn, có thể thấy như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi làm sạch đẹp thì người dân hai bên được hưởng lợi rất nhiều. “Tất nhiên, khi muốn kêu gọi đầu tư được, chúng ta cần giải tỏa thêm hành lang kênh rạch, sông để tạo quỹ đất, rồi câu chuyện tái định cư tại chỗ hay ở khu vực khác cũng cần quan tâm sâu sắc vì là quyền lợi của người dân” - ông Cương cho biết.

Ông Cương cũng cho rằng xã hội hóa đầu tư nên tính toán sao cho tất cả các bên đều có lợi. Cụ thể là quyền lợi của người dân được đảm bảo, quyền lợi của nhà đầu tư cũng có và Nhà nước thì thực hiện được các dự án hạ tầng có nguồn vốn lớn.•

Người dân mong muốn tái định cư tại chỗ

Ghi nhận thực tế của Pháp Luật TP.HCM ở các tuyến sông, kênh rạch của ba dự án trên cho thấy tình trạng nhà cửa lụp xụp, tạm bợ ven các tuyến sông, kênh rạch. Tại khu vực của dự án ao Song Tân, rác được thải thẳng xuống kênh, trôi lềnh bềnh rất mất vệ sinh, thậm chí người dân còn xả thải trực tiếp ra các kênh này.

“Tôi đã ở đây nhiều năm, cả gia đình đều ở đây, đôi khi mùi rác, mùi hôi thối của kênh xộc lên không chịu nổi. Nếu có dự án làm sạch kênh, rồi bố trí nhà ở cho chúng tôi thì chúng tôi rất mừng nhưng nhiều người vẫn thích được ở lại, tái định cư tại chỗ hơn vì chúng tôi đã quen thuộc với nơi này” - bà Phạm Thị Minh Loan, giáo viên về hưu có nhà ven kênh khu vực dự án ao Song Tân, phường Tân Quy, quận 7, nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm