TP.HCM sẽ dời hàng chục ngàn căn nhà trên và ven kênh rạch

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về chương trình kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.

“Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường vừa di dời nhà ven và trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị” - tờ trình của Sở Xây dựng TP nêu.

 

Theo Sở Xây dựng TP, kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch, trong tổng số 65 dự án thì chỉ mới bồi thường và di dời được 2.479 căn, đạt 12,4% so với chỉ tiêu di dời 20.000 căn.

Triển khai 53 dự án di dời

Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP lên kế hoạch triển khai 53 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch theo hai loại chính là dự án vốn ngân sách và dự án vốn ngoài ngân sách.

Trong đó, các dự án vốn ngân sách sẽ được chia thành ba nhóm. Nhóm 1 sẽ di dời 3.220 căn, tổng mức đầu tư dự kiến 12.530 tỉ đồng để giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường có kết hợp di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị, gồm ba dự án. Thứ nhất là dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua địa bàn hai quận Bình Thạnh, Gò Vấp với tổng mức đầu tư dự kiến 9.350 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là 4.860 tỉ dồng, di dời 2.196 căn nhà.

Chương trình kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 của TP sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Thứ hai là dự án cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư dự kiến 1.980 tỉ đồng. Trong đó, chi phí GPMB là 1.596 tỉ đồng, quy mô di dời 190 căn nhà. Thứ ba là dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỉ đồng, quy mô di dời 834 căn nhà.

Nhóm thứ hai là di dời 3.250 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỉ đồng. Nhóm này gồm 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 (tám dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công, sáu dự án đã phê duyệt dự án bồi thường).

Đối với nhóm ba, sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 30 dự án khác (xác định ranh dự án, điều tra khảo sát, lập đề xuất trình phê duyệt chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án bồi thường...). Quy mô di dời là 7.282 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỉ đồng.

Đối với nhóm dự án vốn ngoài ngân sách sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án (sáu dự án di dời 6.630 căn nhà), trong đó trọng tâm là dự án bờ nam kênh Đôi (quận 8, di dời 5.055 căn nhà).

Chỉ đặt chỉ tiêu di dời 6.500 căn nhà

Dù kế hoạch và dự kiến di dời hơn 20.300 căn nhà trên và ven kênh rạch đến năm 2025 với 53 dự án nhưng theo Sở Xây dựng TP, kế hoạch gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Do vậy, trong giai đoạn 2021-2025, sở chỉ đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỉ đồng, bằng khoảng 1/3 so với kế hoạch.

Theo Sở Xây dựng TP, có hai nguyên nhân cho việc đặt chỉ tiêu “khiêm tốn” này. Thứ nhất, giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối ngân sách của TP tương đối hạn chế so với tổng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án cấp bách do sở, ngành, quận, huyện đề xuất. Trong đó, riêng dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm với tổng vốn đầu tư đã dự kiến 9.350 tỉ đồng, quy mô di dời khoảng 2.135 căn nhà.

“Do đó, ngoài các dự án đã có chủ trương đầu tư công của giai đoạn 2016-2020 có thể được chuyển tiếp trong giai đoạn tới, các dự án ngân sách còn lại khó được thông qua chủ trương đầu tư công trung hạn, để tiến hành thực hiện các bước thủ tục về đầu tư, bồi thường, di dời...” - Sở Xây dựng TP nêu trong tờ trình.

Thứ hai, theo Sở Xây dựng TP, hiện nay Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 đã không còn quy định về hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT: Nhà đầu tư xây dựng công trình hạ tầng và được thanh toán bằng quỹ đất). Đồng thời, theo Nghị định 35/2021 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết và thi hành Luật Đầu tư theo phương thức PPP thì nhóm công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP.

Như vậy, việc di dời nhà ven và trên kênh rạch không còn thực hiện theo phương thức PPP như trước đây. Các dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ chỉ thực hiện bằng một trong hai phương thức là đấu thầu hoặc đấu giá. Vì vậy, Sở Xây dựng cho rằng cần đề xuất các giải pháp gia tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc kênh rạch để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.•

 

Kế hoạch lớn cần có sự chuẩn bị về vốn

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, kế hoạch di dời nhà ven kênh là một kế hoạch lớn, TP muốn thực hiện thì cần chuẩn bị vốn (nguồn tài chính), giải quyết việc tái định cư như thế nào, đất ở đâu… Kinh phí di dời, bồi thường, giải tỏa như thế nào, sau khi di dời thì phải chỉnh trang ven kênh đó ra sao?

“TP lâu nay muốn di dời nhà ven kênh nhưng vẫn chưa hiệu quả, tất nhiên có khó khăn và TP cần có kế hoạch cụ thể và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thì mới thực hiện được công tác này” - ông Sơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm