TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ lao động bị cắt giảm

(PLO)- Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, với việc cắt giảm lao động như hiện nay thì sau Tết Nguyên đán sẽ thiếu lao động nếu các doanh nghiệp có đơn hàng trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-12, kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên thảo luận tổ.

Tại phiên thảo luận tổ 3, đại biểu Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng Giáo dục quận 3, chia sẻ gần hai tháng nữa sẽ đến Tết nguyên đán 2023 nhưng một số doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn TP.HCM đang giảm nhân công, nhiều người lao động bị cho thôi việc.

Ông đề nghị cần có biện pháp quan tâm, chỉ đạo các cơ quan ban ngành hỗ trợ chăm lo những đối tượng này.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 3. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 3. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm, cho biết tổng số DN hoạt động trên địa bàn TP.HCM là hơn 248.000 DN với hơn 2,8 triệu lao động.

"Tính trong 11 tháng năm 2022, có 28 DN lên phương án sắp xếp lại lao động và số lao động bị mất việc làm là 2.859/15.307 nhân sự trong tổng số 28 DN đó" - ông Lâm thông tin tại buổi thảo luận.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, Trung tâm dịch vụ việc làm của TP và chính quyền địa phương đã chủ động phối hợp đến khảo sát và giới thiệu việc làm.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm trả lời đại biểu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm trả lời đại biểu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông ví dụ, một DN ở Củ Chi mới đây đã cắt giảm 1.083 nhân sự. Nắm thông tin, chính quyền địa phương và ngành lao động đã vào cuộc, kết nối việc làm cho khoảng 700 người, một số còn lại hiện chưa có nhu cầu tìm việc.

Hay một DN khác ở quận 12 cắt giảm hơn 180 lao động, Sở đã cho người xuống tìm hiểu và giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, nhiều lao động bày tỏ mong muốn chỉ làm thời vụ từ đây đến Tết Nguyên đán 2023 chứ chưa muốn ký hợp đồng và qua Tết mới có nhu cầu tìm việc.

Phó Giám đốc Sở LD-TB&XH TP.HCM cho biết thêm: Nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong năm 2022 là khoảng 22.000 đến 23.000 nhân sự, trong đó ngành thương mại dịch vụ chiếm hơn 62%. "So với nhu cầu cần tuyển và nhu cầu tìm việc của người lao động thì nhu cầu cần tuyển sẽ cao hơn" - ông Lâm kết luận.

Trong sáu tháng đầu năm 2023, khu chế xuất và khu công nghệ cao của TP dự ước nhu cầu tuyển dụng hơn 12.600 nhân sự. Đối với tình hình lao động đang cắt giảm như hiện nay, ông Lâm bày tỏ lo lắng sau Tết nếu có một số DN có đơn hàng quay trở lại thì sẽ thiếu hụt lao động.

Kiến nghị về việc đổi và đặt tên đường tại TP.HCM

Kiến nghị về vấn đề quản lý đô thị, đại biểu Phạm Đăng Khoa cho biết việc đặt tên đường tại TP.HCM hiện còn nhiều bất cập.

Để khắc phục việc này, ông Khoa đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM tham mưu UBND TP sắp xếp kho dữ liệu tên đường giao thông TP thành ba cấp độ. Cụ thể là tên danh nhân, tên anh hùng liệt sĩ có công với tổ quốc, tên địa danh lịch sử.

Đồng thời cần căn cứ vào bề rộng mặt đường để đặt tên phù hợp. Cụ thể, tên danh nhân sẽ đặt cho đường có bề rộng từ 15 m trở lên, đường có bốn làn xe; tên anh hùng liệt sĩ đặt cho đường giao thông có bề rộng từ 8 m trở lên và có hai làn xe. Tên địa danh lịch sử đặt cho đường có bề rộng dưới 8 m, loại đường này có số lượng không nhiều và chủ yếu nằm gọn trong địa bàn quận, huyện.

"Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM khẩn trương cập nhật toàn bộ đường giao thông trên địa bàn TP, bao gồm đường giao thông liên quận, đường giao thông nội quận và đề xuất cho chính quyền thay đổi tên những đường bị cắt khúc, trùng tên, đường mang tên số, tên không có ý nghĩa,..." - đại biểu Khoa đề xuất.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết Sở đã rà soát để bổ sung vào ngân hàng tên đường. Ngoài ra, Sở cũng đang lấy ý kiến các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức về dự thảo, quy chế liên quan việc đặt, đổi tên đường.

Việc đổi tên đường nếu làm sẽ được thực hiện lần lượt và tránh đổi một lúc quá nhiều tên gây khó cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm