Chiều 7-3, UBND TP.HCM, Sở TT&TT tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2022.
Đất ven sông giá cao nên khó bồi thường, giải tỏa
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi dọc bờ sông Sài Gòn đoạn qua quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức, các nhà hàng, quán cà phê và công trình xây dựng đã lấn chiếm hết phần diện tích hành lang sông, người dân không còn hoặc còn rất ít khu vực có thể tiếp cận bờ sông. “Xin hỏi UBND TP cùng Sở QH-KT và Sở Xây dựng, các công trình xuất hiện tại khu vực hành lang sông là đúng quy định hay không và các công trình thuộc loại nào được phép xây dựng sát hành lang bảo vệ sông?” - PV đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng quản lý quy hoạch Sở QH-KT TP.HCM, cho biết năm 2004, UBND TP đã ban hành Quyết định 150 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh rạch thuộc địa bàn TP. Tuy nhiên, trước khi quyết định trên có hiệu lực, nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng. “Đây là vấn đề do yếu tố lịch sử, nhiều dự án đã được cấp phép trước khi có quy định cụ thể về hành lang sông, rạch. Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy nhiều khu vực do lịch sử phát triển đô thị mà đã hình thành công trình nhà ở, công trình xây dựng sát bờ sông Sài Gòn” - ông Tuấn nói.
Theo vị này, đến nay để quy hoạch, định hướng lại hệ thống cơ sở hạ tầng, công viên cây xanh, tiện ích xã hội dọc hành lang sông cần cả chiến lược dài hạn. “Phương án hiện nay là khoanh vùng khu vực khả thi để thực hiện trước và kêu gọi nguồn lực xã hội để đầu tư, gắn với phát triển hạ tầng” - ông Tuấn nói và lấy ví dụ hiện tại TP đã hình thành và cải tạo Công viên bến Bạch Đằng, kéo dài từ cột cờ Thủ Ngữ đến ga Ba Son. Đây là khu vực có thể triển khai trước mắt, khả thi và có tính hiệu quả.
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, trả lời báo chí.
Ảnh: PT
Còn về mặt dài hạn, ông Tuấn cho rằng để có được một hành lang sông đẹp, nhiều chức năng phục vụ xã hội, phát triển hạ tầng, TP.HCM cần chiến lược để đánh giá quỹ đất ở khu vực nào có thể đấu giá, tạo nguồn lực. “Đối với những nơi người dân đã xây nhà, biệt thự, hạ tầng ổn định thì cần có sự đồng thuận lớn mới có khả thi. Nếu cố gắng kéo dài vệt công viên dọc bờ sông thì bồi thường, giải tỏa rất khó do đất ven sông là nơi có giá rất cao” - ông Tuấn nói.
Trả lời về kết quả thanh tra các công trình dọc hành lang sông Sài Gòn được Sở Xây dựng tổ chức hồi cuối năm 2019, đại diện Sở Xây dựng cho biết đơn vị này đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại chín quận, huyện thời điểm đó. Sau khi rà soát, Sở Xây dựng đã ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó có 40 dự án hình thành trước khi Quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên.
Theo vị này, do ra đời trước khi Quyết định 150 có hiệu lực, nhiều dự án đã được giao đất, cấp phép sát mép sông. Ngoài ra, một số dự án do sự bồi lắng của sông nên công trình bị đưa ra sát sông. Hiện tại, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TP về kết quả của cuộc kiểm tra để đưa ra biện pháp. Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP giao cho đơn vị này chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, xác định lại phạm vi, diện tích vi phạm để đưa ra hướng xử lý.
Đánh giá lại việc đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm
Trả lời báo chí về thời điểm tổ chức đấu giá lại hai lô đất bị bỏ cọc trong vụ đấu giá bốn lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết việc đấu giá lại tùy thuộc vào bên có tài sản, tức UBND TP.HCM và ủy quyền cho Sở TN&MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất.
“Sau đó, chúng tôi sẽ tiến hành làm hợp đồng, ký hợp đồng bán đấu giá khi có yêu cầu từ UBND TP và Sở TN&MT. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được các quyết định này” - ông Hùng nói và cho biết hiện TP đang xử lý các vấn đề liên quan đến hai doanh nghiệp bỏ cọc và hai doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng chưa nộp tiền.
Ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết thêm UBND TP đã giao Sở Tư pháp và Sở TN&MT tham mưu đánh giá công tác đấu giá bốn lô đất ở Thủ Thiêm vừa qua để rút ra những điều làm được, chưa làm được và kinh nghiệm cho công tác đấu giá thời gian tới. “Khi nào có thông tin chính thức, UBND TP sẽ báo lại cho cơ quan báo chí” - ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng quản lý quy hoạch
Sở QH-KT TP.HCM, trao đổi tại buổi họp báo. Ảnh: PT
Liên quan đến hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai huyện Hóc Môn và Củ Chi (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3), ông Nguyễn Phúc Vinh, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TP.HCM, cho biết hội nghị này sẽ do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chủ trì.
Nội dung chương trình bao gồm hoạt động triển lãm giới thiệu 55 dự án mời gọi đầu tư của hai huyện Hóc Môn, Củ Chi và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn hai huyện này.
Theo ông Vinh, trên địa bàn hai huyện Hóc Môn và Củ Chi có 55 dự án mời gọi đầu tư năm 2022. Các dự án này bao gồm hạ tầng giao thông - kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục - văn hóa - thể thao với tổng vốn đầu tư 285.524 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tại hội nghị cũng sẽ diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ đầu tư gồm 16 dự án đăng ký với tổng giá trị 54.094 tỉ đồng.
Công an TP.HCM thông tin các vụ trục lợi từ COVID-19 Trả lời câu hỏi về tiến độ điều tra các vụ án liên quan đến vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng việc phòng chống dịch để trục lợi. Công an TP.HCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, chủ yếu trong việc hỗ trợ an sinh xã hội để trục lợi; trục lợi thông qua tiêm vaccine, vật tư y tế, thuốc men trong phòng chống dịch. Đặc biệt là vi phạm đấu thầu trong mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và có dấu hiệu đưa nhận hối lộ ở BV Thủ Đức. Phó giám đốc Công an TP.HCM khẳng định hầu hết các vụ án đến nay đã ở giai đoạn kết luận điều tra, chuẩn bị chuyển qua VKS và tòa án để xử lý. Còn một số vụ hiện nay đang trong quá trình điều tra và mở rộng vụ án, như vụ ở BV Thủ Đức, liên quan đến Công ty Việt Á. |