Liên kết vùng: Gỡ 3 nút thắt, tránh xung đột

Có một thực trạng lâu nay tồn tại ở ĐBSCL cũng như ở một số vùng miền là vấn đề xung đột lợi ích của từng địa phương. Trong các kỳ đại hội Đảng gần đây, nhiều nghị quyết đã ra đời trong đó nhấn mạnh việc tăng cường cơ chế điều phối liên kết vùng. Tuy nhiên, đã có nhiều cơ chế thí điểm được triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn.

Gỡ ba nút thắt để phát triển

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, vấn đề liên kết vùng càng được xem là vấn đề cần phải quan tâm hơn. Cụ thể, để đối phó với dịch bệnh đòi hỏi phải có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương để ứng phó với dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau dịch.

TS Trần Hữu Hiệp: Phải quyết liệt thực hiện liên kết vùng để tháo gỡ nút thắt, tránh xung đột lợi ích giữa các địa phương. Ảnh: PV

Chúng ta cần nhìn lại vấn đề liên kết vùng và có hành động quyết liệt hơn nữa để giải quyết ba nút thắt đang tồn tại ở ĐBSCL, trong đó, cần tập trung cho các vấn đề có thể chuyển hóa ngay để hướng tới lâu dài.

Đầu tiên, phải xác định là các địa phương ở vùng ĐBSCL khó có thể tự đi một mình, đi riêng lẻ được. Ví dụ như vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), trong phát biểu gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là vấn đề toàn cầu. Và ngay chính các cường quốc cũng khẳng định họ không thể đi một mình được vì BĐKH, dịch bệnh là các vấn đề lan rộng toàn cầu, phải đòi hỏi sự phối hợp.

Trong phạm vi một vùng, vừa qua khi một số địa phương tự đặt ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã làm dòng chảy về hàng hóa bị tắc nghẽn, ảnh hưởng rất lớn. Điều đó càng thôi thúc hơn cho vấn đề phối hợp, liên kết vùng để vừa chống dịch, ứng phó BĐKH và phục hồi kinh tế, du lịch, giao thông...

Hiện nay, chúng ta đã có cơ chế thí điểm liên kết vùng và đã hình thành Hội đồng điều phối vùng. Tuy nhiên, hội đồng cần phải xác định rằng dù không phải cấp chính quyền nhưng phải phối hợp được giữa cơ chế từng địa phương lại với nhau, giữa trung ương với địa phương. Từ đó, tạo ra nguồn lực cho vùng, đồng thời không gây tắc nghẽn, thậm chí giải phóng các điểm nghẽn của các địa phương.

Lên “trục xương sống” để điều phối vùng hiệu quả

Để làm được các vấn đề trên, trong các kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế của các địa phương phải tính đến câu chuyện liên kết, không nên vận hành riêng từng kịch bản cho địa phương mình. Ngay bây giờ, nhìn ở góc độ vùng ĐBSCL, chúng ta đã có Hội đồng điều phối vùng, do đó, cần phải lên “trục xương sống” điều phối các vấn đề như giao thông, phòng chống dịch bệnh, phát triển nguồn nước...

Cạnh đó, trong một số trường hợp Hội đồng điều phối vùng phải có thực quyền để tránh xung đột lợi ích giữa các địa phương. Cụ thể như một công trình sẽ có lợi cho địa phương này và lợi ít hơn cho địa phương khác thì hội đồng sẽ điều tiết như thế nào? Hay vấn đề về ngân sách, chúng ta chỉ có ngân sách trung ương và địa phương, vậy các công trình mang tính vùng phải như thế nào...

Một vấn đề nữa là việc phối hợp trong vận hành cụ thể và vấn đề quan trọng nhất là công tác kiểm tra, giám sát của trung ương để kịp thời chấn chỉnh. Có như vậy mọi việc mới được vận hành theo khuôn khổ và đúng mục tiêu đặt ra.

Mặt khác, trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19, khi chúng ta mở cửa để phục hồi kinh tế, số người F0 tăng. Như vậy, tâm lý một số nơi rất dễ quay trở lại câu chuyện chống dịch bằng biện pháp khắt khe quá mức. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh là cần thiết, tuy nhiên, cần tôn trọng cái gọi là “tư duy chuyển đổi” trong Nghị quyết 128 của Chính phủ”.

Ba nút thắt ở ĐBSCL

ĐBSCL đang gặp phải ba nút thắt quan trọng trong quá trình phát triển.

Nút thắt đầu tiên chính là kết cấu hạ tầng, đây cũng chính là vấn đề quan trọng nhất cản trở sự phát triển của vùng. Vì vậy, thay vì mỗi tỉnh, thành đề xuất xây dựng sân bay, cảng nước sâu cho riêng địa phương mình thì 13 tỉnh trong vùng nên đồng lòng đề xuất trung ương xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, đồng bộ và chất lượng. Mặt khác, đề xuất phát triển đường cao tốc nối liền từ TP.HCM đến tận cà Mau và xem đây là chiến lược hàng đầu của vùng trong thời gian tới.

Nút thắt thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định mức sống và trình độ phát triển dài hạn của mỗi cá nhân, của từng địa phương và của quốc gia. Lâu nay, ĐBSCL là vùng trũng trong cả nước về giáo dục, do đó, phải tháo gỡ nút thắt quan trọng này bằng chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn, đeo đuổi lợi ích trước mắt... Suy cho cùng, động cơ này chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tạo lập cơ hội việc làm.

Nút thắt thứ ba cản trở sự phát triển của ĐBSCL là cơ chế, chính sách, trong đó quan trọng nhất là cơ chế, chính sách về đất, nước và cơ chế điều phối vùng. Cụ thể, về chính sách đất đai, cần được thiết kế lại theo hướng tạo thị trường đất linh hoạt hơn. Cùng đó là tăng khả năng chuyển dịch đất nông nghiệp trong phạm vi các lĩnh vực và đối tượng sản xuất nông nghiệp sao cho đất nông nghiệp có thể sử dụng hiệu quả nhất. Về nước, phải xem tất cả nguồn nước như: nước mặn, nước ngọt, nước lợ, nước mặt, nước ngầm... là tài nguyên quý báu để có chính sách quản lý, sử dụng và bảo vệ một cách phù hợp hơn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm