TP.HCM tìm việc cho 2.500 lao động của Công ty PouYuen

(PLO)-  Ngành lao động TP.HCM đã kết nối 15 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.200 lao động để giới thiệu cho hơn 2.500 công nhân Nhà máy PouYuen bị cắt giảm sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-2, TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ hằng tuần cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Nỗ lực giới thiệu việc làm cho 2.500 lao động

Trước thông tin Công ty PouYuen Việt Nam cắt giảm lao động, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thông tin trong tháng 3, công ty này sẽ không tái ký hợp đồng lao động với khoảng 2.500 người.

Số còn lại sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động cho đến cuối năm 2023.

Với 2.500 lao động không được tái ký hợp đồng lao động, phía sở đã có phương án để hỗ trợ người lao động (NLĐ).

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thông tin về việc hỗ trợ cho 2.500 lao động của Công ty PouYuen. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, thông tin về việc hỗ trợ cho 2.500 lao động của Công ty PouYuen. Ảnh: THANH TUYỀN

Cụ thể, sở đã giao giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tổ chức một tổ xử lý trực tiếp các vấn đề, tư vấn cho NLĐ khi công ty cắt giảm lao động.

Trung tâm này đã tìm kiếm 15 doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng với Công ty PouYuen để tư vấn, giới thiệu, tạo việc làm mới cho NLĐ.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã trao đổi với ngành lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Long An và Tiền Giang để cùng phối hợp giới thiệu việc làm cho NLĐ, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương.

Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP cùng các đơn vị cũng sẽ tổ chức 120 sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động. Ngành lao động TP cũng sẽ họp bàn với một số đơn vị lữ hành trên địa bàn TP để tổ chức các chuyên đề việc làm về ngành du lịch tại TP.HCM.

Trước tình hình này, chiều 23-2, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi chủ tịch UBND TP.HCM về tình hình lao động, việc làm tại Công ty PouYuen Việt Nam.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định việc làm, đời sống NLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động TP, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp và các cơ quan liên quan chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của Công ty PouYuen Việt Nam.

Qua đó, kịp thời có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ.

Tháo gỡ cho 49.000 học sinh chưa có mã định danh

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh cho biết ngành giáo dục đang ráo riết chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đầu cấp toàn TP.

Đến nay, sở đã hoàn tất các khâu xác định mã định danh của học sinh, chuẩn bị tuyển sinh đầu cấp 100% bằng hình thức trực tuyến, không có hồ sơ giấy mà thực hiện các thao tác dựa trên cơ sở dữ liệu của TP.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh nói về việc tháo gỡ cho 49.000 học sinh chưa có mã định danh. Ảnh: THANH TUYỀN
Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh nói về việc tháo gỡ cho 49.000 học sinh chưa có mã định danh. Ảnh: THANH TUYỀN

Liên quan đến thắc mắc liệu việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, đại diện Sở GD&ĐT TP khẳng định việc tổ chức tuyển sinh sẽ được chuyển sang hình thức mới dựa trên nguồn dữ liệu của TP, sẽ không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh.

“Sở GD&ĐT, Công an TP, Sở Tư pháp TP đã rà lại toàn bộ dữ liệu dân cư trên địa bàn TP. Chúng tôi đã thống nhất đến ngày 15-3, 100% học sinh độ tuổi 3-18 phải xác định được mã định danh” - chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho hay.

Hiện toàn TP.HCM có 1,7 triệu học sinh. Trong đó còn 49.000 học sinh chưa xác thực được mã định danh do nhiều lý do.

“Phụ huynh cũng cần liên lạc với công an địa phương để xác thực nội dung này. Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục ở bậc mầm non rà soát với trẻ năm tuổi chuẩn bị vào lớp 1, đảm bảo tốt việc thực hiện tuyển sinh đầu cấp cho năm sau” - ông Minh nói.

Với 49.000 học sinh chưa xác thực được mã định danh, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với Công an TP, thống nhất sẽ rà từng nhà để đảm bảo số trẻ em trên địa bàn phải có mã định danh.

Nêu thực tế, ông Minh cho biết có trường hợp các em đến tuổi đi học nhưng chưa có giấy khai sinh, có học sinh đã học đến lớp 12 cũng không có giấy khai sinh để làm CCCD. Sở cùng các cơ quan chức năng đã tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo cấp CCCD để các em đăng ký tuyển sinh đại học kỳ tới.

“Hiện chúng tôi đang rất nỗ lực để xác thực mã định danh cho các em, tạo sự an tâm cho phụ huynh trong công tác tuyển sinh” - đại diện Sở GD&ĐT khẳng định.

Công an TP.HCM sẽ tổ chức các đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn

Tại cuộc họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia tại địa bàn vẫn còn nhiều dù cơ quan chức năng đã quyết liệt xử lý.

Cụ thể, trong năm 2022 Công an TP.HCM đã xử lý hơn 55.000 vụ vi phạm về nồng độ cồn, xử phạt hành chính với số tiền trên 400 tỉ đồng. Riêng đợt cao điểm từ ngày 15-11-2022 đến 15-2-2023, Công an TP.HCM đã xử lý hơn 17.400 vụ, tạm giữ hơn 16.000 phương tiện, tước hơn 11.000 giấy phép lái xe và xử lý ba hành vi chống người thi hành công vụ.

Để kéo giảm tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân, Công an TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý.

Thượng tá Hà cho biết việc kiểm tra, xử lý sẽ được thực hiện theo nhiều khung giờ; tăng cường kết hợp kiểm soát vừa lưu động vừa tại các điểm cố định, cũng như tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm liên hoàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm