Mới đây, tại buổi đối thoại giữa Sở GTVT TP.HCM với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn TP.HCM, khi nói về thực trạng đón, trả khách trong nội đô là những văn phòng, công ty, ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết: Tính đến ngày 9-8, trên địa bàn TP có 108 điểm hoạt động đón, trả khách trước trụ sở văn phòng hoặc trong khuôn viên trụ sở, tăng 25 điểm trong sáu tháng đầu năm.
Liên quan đến vấn đề tình trạng xe dù bến cóc ngày càng nở rộ trên địa bàn thành phố, ông Lê Thanh Quang, đại diện Công ty Mai Linh, cho biết: Cứ sau 18 giờ, khi các lực lượng thanh tra giao thông đã giảm tần suất làm việc thì tại những khu vực như đường Bàu Cát (quận Tân Bình), khu công nghiệp, khu vực cuối đường Tên Lửa… lại trở thành “bến cóc” cho nhiều nhà xe chạy các tuyến Sài Gòn - Đà Lạt, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Ban Mê Thuột,… Họ tổ chức gom khách, bán “phiếu đặt chỗ” không cần qua phòng vé.
Bên cạnh đó, tình trạng nở rộ xe dù bến cóc trên địa bàn TP còn do những bất cập trong việc di dời Bến xe Miền Đông mới. Để chứng minh cho quan điểm này, ông Quang cho biết thêm: Kể từ ngày 15-8, những tuyến từ Bến xe Miền Đông đi các tỉnh từ Quảng Trị đổ ra các tỉnh thuộc khu vực phía Bắc sẽ không còn hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ nữa mà phải di dời ra Bến xe Miền Đông mới ở quận 9. Trong khi đó, quãng đường di chuyển từ quốc lộ 13 và xa lộ Đại hàn, quốc lộ 1 liên tục xảy ra tình trạng tắc đường cực kỳ nghiêm trọng. Hành khách ở quanh khu vực quận Bình Thạnh, Bến xe Miền Đông cũ giờ đây muốn di chuyển đến Bến xe Miền Đông mới phải tốn thêm 2,5 giờ nữa. Do đó, để “cướp” khách, nhiều chủ xe tìm cách tránh né Bến xe Miền Đông mới mà “lập” xe dù bến cóc mới.
“Vì thế chúng tôi kiến nghị nên chăng đợi đến khi Bến xe Miền Đông mới hoàn thiện xong thì sẽ đóng cửa Bến xe Miền Đông cũ và di dời 100% các nhà xe sang Bến xe Miền Đông mới. Như vậy, sẽ tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau và cũng hạn chế tình trạng xe dù bến cóc” - ông Lê Quang Thanh, đại diện Mai Linh, nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, đại diện một hãng xe khác cũng bức xúc: Các cơ quan ban, ngành thường xuyên ra quân kiên quyết dẹp vấn nạn xe dù bến cóc trong nội đô. Thậm chí UBND TP cũng đã có văn bản yêu cầu quyết liệt xử lý xe dù bến cóc trong. Thế nhưng vì sao tình trạng này không giảm mà còn tăng?
Xe dừng đón, khách tại điểm cấm dừng cấm đỗ ngay góc An Dương Vương với Nguyễn Duy Dương, quận 5 vào trưa 10-8.
Quận 5 dẫn đầu bảng về nạn "xe dù bến cóc" Trong số 13 quận trên địa bàn TP.HCM có tình trạng hoạt động đón, trả khách sai quy định thì quận 5 đứng đầu bảng. Cụ thể, tính đến tháng 5-2019 tại quận 5 có 47 điểm đỗ đón, trả khách sai quy định, tăng 15 điểm tương đương tăng tới 50% so với tháng 10-2018. Xếp thứ hai là quận Tân Bình với 11 điểm, quận 1 đứng thứ ba với 10 điểm. Quận Bình Thạnh và quận 10 cùng đứng thứ tư. Các vị trí còn lại như Bình Tân, Thủ Đức, quận 6, quận 8, quận 9... có rất ít "xe dù bến cóc" hoạt động. Khảo sát tại quận 5 vào trưa 10-8, chúng tôi nhận thấy xe trung chuyển của nhà xe Thành Bưởi chở khách từ địa chỉ văn phòng giao dịch số 226 đường Lê Hồng Phong, quận 5 và đổ khách tại góc An Dương Vương với Nguyễn Duy Dương quận 5. Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết với những lỗi dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định tái vi phạm nhiều lần thì nhà xe chỉ bị phạt hành chính lên và tước giấy phép lái xe của tài xế chứ không thể thu hồi phù hiệu hợp đồng. Những lỗi có thể thu hồi phù hiệu là: Xe chạy hợp đồng, không có hợp đồng hoặc hợp đồng không đúng quy định, chẳng hạn như thiếu các thông tin về hành khách, thông tin về hành khách không đúng. Đặt vấn đề trách nhiệm chính đối với thực trạng “xe dù, bến cóc” này thuộc về cơ quan nào? Ông Khánh cho hay theo chỉ đạo của UBND TP.HCM thì chủ tịch UBND các quận, huyện sẽ chịu tránh nhiệm chính trên địa bàn quản lý về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến “xe dù, bến cóc” đảm bảo an ninh trật tự đô thị. |