Thông tin trên được thể hiện trong báo cáo tóm tắt về giải quyết ngập khu vực TP.HCM - có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (BĐKH), dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, nguyên nhân khách quan dẫn đến ngập là do BĐKH làm lượng mưa tăng cao và đỉnh triều cũng tăng đột biến. Bên cạnh đó, quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn ( trước năm 1975) chỉ đáp ứng quy mô dân số 2 triệu người giờ dân số đã hơn 10 triệu người … nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.
Về nguyên nhân chủ quan, UBND TP nhìn nhận, công tác quản lý còn hạn chế, công tác dự báo cũng chưa lường kết được về BĐKH… Cụ thể, trước đây, thông số đầu vào để lập quy hoạch thoát nước là vũ lượng mưa tối đa trong ba giờ là 95,91mm. đỉnh triều là 1,32 m. Thế nhưng do BĐKH, trong những năm qua có nhiều trận mưa chỉ xảy ra trong 60 phút nhưng vũ lượng mưa đã đạt tới 100-122mm và đỉnh triều đạt tới 1,68m.
Trung bình mỗi năm ngân sách TP.HCM bố trí khoảng 1.000 tỉ đồng để chống ngập. Ảnh: TRUNG THANH
Với diễn biến về mưa và triều cường như trên, hiện nay, thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp so với tình hình thực tế. Hậu quả dẫn đến một số tuyến cống mới đầu tư trong thời gian qua cũng đã trở nên quá tải…
Theo thống kê, chỉ tính trong vòng 10 năm qua, TP đã bỏ ra khoảng 24.300 tỉ đồng để thực hiện các dự án chống ngập như nạo vét - cải tạo kênh rạch, xây dựng hệ thống thoát nước (Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách khoảng 9.000 tỉ đồng, vốn vay ODA khoảng 15.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, các dự án này cũng chỉ mới tạo được ra được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch chống ngập.
Dự tính, để thực hiện các dự án chống ngập cho khu vực rộng 550 km2 (gồm lưu vực trung tâm TP, phía Bắc, phía Tây, một phần Đông Bắc và Đông Nam), trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần huy động khoảng 66.820 tỉ đồng.