Sở Nội vụ TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.
Theo phương án này, Sở Nội vụ đề xuất bổ sung việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc TP.HCM (tạm gọi là thành phố phía đông).
Thành phố phía đông kỳ vọng sẽ góp 30% GDP cho TP.HCM.
Theo Sở Nội vụ, lý do sáp nhập 3 quận ở phía đông là để xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố. Điều này nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học, Khu công nghệ cao, khu đô thị mới Thủ Thiêm và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...
Với việc lập thành phố phía đông, TP.HCM kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP và vùng Đông Nam bộ.
Ngoài ra, theo lý giải của Sở Nội vụ, việc quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác phía đông thành phố cũng phù hợp với định hướng phát triển không gian Vùng TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2076 năm 2017 và các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 950 năm 2018 về đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau khi sáp nhập 3 quận này sẽ hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía đông trực thuộc TP.HCM, có tiêu chuẩn quy mô dân số hơn một triệu người, diện tích tự nhiên gần 212 km2.
Đối với cấp phường, xã, Sở Nội vụ đề xuất có 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận có thể phải sắp xếp lại. Trong đó, tại quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An.
Quận 3 sáp nhập phường 6, 7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 2 và 5; phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 2 và 3. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 11 và 12; 13 và 14.
Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ giảm từ 24 quận, huyện xuống còn 16 quận, một thành phố và 5 huyện; giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).
Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng hôm 8-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng cho phép TP xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM (thành phố phía đông) trên cơ sở sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức như quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trả lời kiến nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập ba quận phía đông của TP.HCM. "Còn tên gọi là gì, sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp" - Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP.HCM thực hiện. Theo phân tích của ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của TP chính là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố, tích hợp ba lợi thế của ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Trong đó, lợi thế của quận 9 là Khu công nghệ cao, Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học gồm trên 100.000 sinh viên, còn quận 2 là trung tâm tài chính. Khu đô thị sáng tạo phía đông rộng hơn 21.000 ha với khoảng một triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM, nghĩa là bằng 4%-5% GDP của cả nước. |