TP.HCM: Ùn tắc giao thông gây thiệt hại 6 tỉ USD/năm

(PLO)- Theo Sở GTVT TP.HCM, tình trạng ùn tắc giao thông khiến TP.HCM thiệt hại khoảng 6 tỉ USD mỗi năm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-7, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53/2005 và Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 của TP.HCM.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTBC

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTBC

Liên quan đến giao thông của TP, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đặt vấn đề ùn tắc giao thông (UTGT) có làm cản trở đến sự phát triển của TP.HCM không? Ông Dũng cho biết TP Manila của Philippines đã tính ra được việc UTGT đã làm giảm 8% GRDP mỗi năm.

Trả lời về vấn đề này, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết vừa qua TP cũng đã nghiên cứu về tác động của giao thông đối với sự phát triển TP.HCM.

Qua đó TP đã thực hiện các đề án kiểm soát phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện hành khách công cộng đến năm 2025 cùng với việc phát triển các đường Vành đai khiến phương tiện đi vào trung tâm TP cũng giảm đi.

Đồng thời cũng nghiên cứu được tình trạng UTGT khiến TP.HCM thiệt hại khoảng 6 tỉ USD mỗi năm.

Theo ông Bằng, nhiều chỉ số của ngành giao thông TP đều nằm ở khoảng 25-30% cả nước, chiếm khoảng ¼ số liệu cả nước nên áp lực giao thông là rất lớn.

Ông dẫn chứng hàng hoá sân bay chiếm 41 triệu tấn, đăng kí phương tiện là 8,7 triệu và ùn tắc giao thông ở TP.HCM là nghiêm trọng.

Vừa qua, TP đã triển khai nhiều giải pháp cơ bản kiểm soát được tình trạng này, nhất là tại khu vực sân bay, cảng biển.

Về mạng lưới giao thông, ông Bằng thông tin tuyến đường Vành đai 2 còn 15km chưa khép kín, TP đã có kế hoạch cố gắng khép kín trước năm 2030; Vành đai 3 vừa qua được Quốc hội thông qua và sẽ tiếp tục triển khai; riêng Vành đai 4 cũng sẽ cố gắng triển khai sớm.

Theo ông Bằng, các tuyến Vành đai này, TP đã có kế hoạch làm việc với các tỉnh liên quan để đảm bảo tiến độ.

Đối với năm tuyến quốc lộ gồm Quốc lộ 1, 50, 22, 13 và 1K đều không phát triển theo quy hoạch và vừa qua Bộ KH&ĐT có hỗ trợ bố trí vốn từ ngân sách trung ương đối với hai dự án quốc lộ, dự kiến sẽ triển khai trong quý 4-2022.

Kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giao thông, ông Bằng cho rằng hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần chia thành năm tổ công tác với sự tham gia của sở, ngành liên quan của tỉnh, thành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Ông cũng kiến nghị trung ương hỗ trợ thêm chi phí để các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các dự án đường Vành đai, cao tốc.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết chưa có đánh giá cụ thể về việc UTGT làm mất bao nhiêu % GRDP, các tỉnh, thành nên cùng ngồi lại tính toán.

Theo bà Thắng, giao thông phát triển thì kinh tế mới phát triển theo. Dù có nhiều quyết sách để giải quyết nhu cầu giao thông nhưng việc ách tắc ở cửa ngõ TP khiến việc lưu thông giữa các tỉnh, thành khó khăn, gây cản trở sự phát triển kinh tế rất lớn.

Bà dẫn chứng khi TP có dịch bệnh, phải dừng lại tất cả các hoạt động thì càng thấy rõ sự liên kết vùng. Bởi mỗi tỉnh ở miền Tây đều có đặc sản riêng nhưng TP.HCM có tất cả sản phẩm đặc sản của cả nước, TP là một trung tâm tiêu thụ tất cả sản phẩm trong nước.

Hay việc khi TP vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch, việc khôi phục du lịch TP cũng thấy rõ có liên quan đến cả giao thông, văn hoá, ẩm thực...

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng trong liên kết vùng chưa có một người đóng vai trò tổng thế và cần phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của các bộ chuyên ngành.

Metro TP.HCM: Nếu làm rời rạc thì khó xong

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thông tin để giải quyết câu chuyện UTGT, vừa qua TP cũng đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng nhằm tác động đến văn hoá giao thông của người dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Ông Mãi nhìn nhận, câu chuyện tổ chức lại hệ thống Metro của TP.HCM cần có cách tiếp cận khác.

“Nếu làm theo từng tuyến mà làm rời rạc như thế thì đến năm 2045 cũng chưa xong, mà có xong cũng không phát huy được” – ông Mãi nói và đề xuất việc phát huy cả hệ thống giao thông thuỷ kết nối với các tỉnh thành; quy hoạch mạng lưới đường sắt kết nối trong vùng….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm