Thủ tướng: Không để địa phương phải chạy lòng vòng, lên xuống gửi công văn

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vùng Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang thiếu một "nhạc trưởng" phù hợp với thể chế, hoàn cảnh cụ thể của vùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-7, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53/2005, Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 định hướng đến năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Cần một "nhạc trưởng" vùng

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị là đúng hướng. Sau 15 năm thực hiện đã có hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, với tình hình, điều kiện mới và các nghị quyết mới của Đảng, cần có một nghị quyết mới xứng tầm, phù hợp hơn, bám sát vào đường lối của Đảng, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng.

Theo Thủ tướng, vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều khả năng, dư địa phát triển nhưng chưa phát triển được bởi khu vực này thiếu quy hoạch hiện đại.

“Quy hoạch của chúng ta chưa hiện đại vì vừa làm thì quá tải, kết nối chưa có, liên thông còn hạn chế, vừa làm vừa sửa…” - Thủ tướng nói và cho biết khu vực này đang thiếu một nhạc trưởng phù hợp với thể chế chính trị, hoàn cảnh cụ thể của vùng.

Đồng thời, khu vực cũng đang thiếu cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước; thiếu cơ chế để tận dụng tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng nhưng lại thừa vướng mắc, điểm nghẽn.

Do đó với khát vọng lớn, năng lượng dồi dào thì cần suy nghĩ, nỗ lực thế nào để trúng, đúng, thực sự mang lại hiệu quả cao hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Thủ tướng nhìn nhận để tạo ra động lực phát triển vùng thì cần phải tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược. Gồm đột phá về hạ tầng chiến lược, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách.

Nhắc lại việc cần có một nhạc trưởng phù hợp với thể chế, điều kiện và khả năng liên kết vùng, Thủ tướng cho biết việc đề xuất một Phó Thủ tướng hay Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thì cần suy nghĩ và bàn trong việc xây dựng nghị quyết mới.

Ông cũng đề nghị cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nâng cao tính tự lực tự cường của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong phát triển vùng.

Không để các địa phương "lên xuống mãi không ra được"

Đáng chú ý, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành phải chủ động cùng các tỉnh, thành tích cực xử lý các vấn đề. “Chúng ta không để các địa phương cứ chạy lòng vòng, chạy lên chạy xuống gửi công văn, tập hợp mãi không ra được” - Thủ tướng nhấn mạnh và ví von việc này là "lên lên xuống xuống, mãi không ra được".

Ông cho rằng bộ, ngành phải cùng với địa phương, doanh nghiệp xem vướng mắc ở đâu để xử lý nhanh, phải tranh thủ cơ hội với nhà đầu tư vì họ không thể đợi mình được.

“Nếu mình chậm thì mình nhỡ chuyến tàu thôi” - Thủ tướng tiếp lời. Ông còn đề nghị cần có cơ chế huy động nguồn lực hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Ông cho rằng “phải làm cho miếng bánh to lên mới chia được nhiều phần”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh bài học rút ra để xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53 là phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội vì có những cái chưa có tiền lệ.

Ông cho rằng phát triển vùng phải phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ, nhưng không có nghĩa là tự cung, tự cấp, tự bó mình mà phải đi đôi với tích cực hội nhập có hiệu quả.

Tại hội nghị, Thủ tướngcũng đã nhấn mạnh tám đầu việc mà vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM cần làm ngay.

Trong đó, điều hành và giữ vững nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát… là nhiệm vụ ưu tiên và quan trọng hàng đầu lúc này. Chính sách tiền tệ phải thận trọng, chắc chắn, linh hoạt; chính sách tài khoá mở rộng có trọng tâm, hiệu quả và tập trung quản lý giá.

Bên cạnh đó cần tập trung tiêm vaccine mũi 3, 4; phải đánh giá lại miễn dịch trong cộng đồng; khắc phục sự yếu kém của ngành y tế; đảm bảo thuốc chữa bệnh cho người dân. Tập trung giải ngân cho các chương tình phục hồi kinh tế, đầu tư công, các dự án quốc gia...

Đề xuất Bí thư TP.HCM làm chỉ huy vùng

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho biết hiện chưa có chiến lược phát triển vùng khả thi, hoàn chỉnh khiến các địa phương trong vùng loay hoay, tự thân vận động, mạnh ai nấy làm và chỉ tập trung làm sao cho địa phương mình phát triển.

Điều này dẫn đến không có tiếng nói chung trong quy hoạch và không hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế vùng.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi. Ảnh: KHÁNH TRÀ

Chưa kể, cơ chế quản lý còn bất cập, chưa có cơ chế đặc thù của vùng hay cơ chế chỉ huy vùng lại được cho là “câu lạc bộ rất vui vẻ”, không mang hiệu quả.

Từ đó Bí thư Tình ủy Bình Dương kiến nghị Chính phủ cần có chiến lược quy hoạch phát triển vùng, trong đó nghiên cứu quy hoạch Bình Dương - Đồng Nai – TP.HCM – Bà Rịa - Vũng Tàu thành một tứ giác phát triển.

Đáng chú ý, ông kiến nghị cần có một “nhạc trưởng vùng”. Ông cho biết trước đây bản thân ông từng đề nghị nên là một Phó Thủ tướng để chỉ huy vùng.

Nhiều lần Bình Dương cũng từng đề xuất Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên làm chỉ huy vùng và nhiều địa phương cũng mong muốn thế. Tuy nhiên về cơ chế thì TP.HCM không thể là cấp trên của các địa phương khác mà chỉ làm việc trên cơ sở đồng thuận nên khó hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm