Thạc sĩ Lưu Đình Hiệp - PGĐ Trung tâm GIS, ĐHBK đã trình bày mô hình việc ứng dụng CNTT địa lý (GIS) trong vận chuyển chất thải, đặc biệt là CTNH tại TP.HCM.
Cần thiết và hiệu quả
Trên thực tế, hoạt động của các phương tiện vận chuyển chất thải, trong đó có việc vận chuyển bùn hầm cầu chưa thật sự nghiêm túc. Các phương tiện này hoặc di chuyển vào những khu vực không được phép hoặc ngang nhiên đổ chất thải xuống kênh rạch, cống, khu vực trống… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và điều kiện sống của người dân. Vì vậy, theo Thạc sĩ Lưu Đình Hiệp, việc ứng dụng CNTT địa lý (GIS) trong hoạt động vận chuyển chất thải là cần thiết. Nhờ nó công tác quản lý cũng như theo dõi các phương tiện vận chuyển chất thải, CTNH sẽ đạt được hiệu quả. Một mặt, giúp cho các nhà quản lý có cái nhìn trực quan hơn nhờ vào việc xác định vị trí, lộ trình di chuyển của phương tiện vận chuyển CTNH được trên màn hình máy tính tại trung tâm. Mặt khác, giúp việc tìm kiếm thông tin liên quan đến các phương tiện vận chuyển CTNH, việc ra quyết định được chính xác, nhanh chóng nhờ vào việc thông tin về phương tiện vận chuyển CTNH (khối lượng và thành phần CTNH trên xe) được lưu trữ tại máy chủ của Sở TN&MT.
Mô hình của hệ thống GIS.
Cụ thể, các phương tiện vận chuyển được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh GPS, một số cảm biến có liên quan. Dữ liệu về vị trí phương tiện và thông tin hỗ trợ được truyền về trung tâm thông qua mạng vô tuyến GSM sử dụng kỹ thuật GPRS, đồng thời được lưu trữ tại trung tâm. Tại trung tâm giám sát sẽ có phần mềm theo dõi quá trình di chuyển, dừng đỗ của phương tiện. Song song với việc lưu trữ dữ liệu tại datalogger, các dữ liệu này cũng được truyền về hệ thống máy chủ của nhà cung cấp GSM/GPRS, thông qua dịch vụ GPRS của nhà cung cấp di động. Máy chủ lưu trữ dữ liệu sẽ được kết nối vào mạng Internet với một địa chỉ IP tĩnh để nhận dữ liệu từ máy chủ của nhà cung cấp GSM/GPRS. Việc hiển thị dữ liệu trên nền bản đồ thành phố sẽ được thực hiện tại bất kỳ một máy tính nào có kết nối Internet. Máy tính giám sát phương tiện sẽ được cung cấp user và mã đăng nhập để nhận dữ liệu từ máy chủ lưu trữ dữ liệu. Chức năng của phần mềm quản lý phương tiện được thực hiện tại máy tính giám sát phương tiên theo mô hình client - server hoặc thông qua một trang web.
Các yêu cầu về công nghệ
Hệ thống này được xây dựng theo mô hình sáu thành phần bao gồm: phần cứng, phần mềm, dữ liệu, quy trình, tổ chức và nhân lực. Để nó có hiệu quả sử dụng tốt thì cần đạt các yêu cầu: đảm bảo kết nối giữa các đơn vị tham gia quản lý phương tiện một cách linh hoạt. Phần mềm giám sát phải có tính ổn định, độ tin cậy cao, dễ vận hành và sử dụng, giao diện thân thiện với người sử dụng, hỗ trợ phát triển các ứng dụng. Phù hợp với cơ cấu tổ chức, trình độ nhân lực, phải triển khai được trên nền hạ tầng CNTT hiện có của thành phố. Phần mềm giám sát được phát triển trên hệ thống GIS...
Trong đó, dữ liệu là thành phần cơ bản và nhân lực là yếu tố quyết định sự thành công của hệ thống. Về dữ liệu bao gồm dữ liệu nền và dữ liệu chuyên đề. Dữ liệu nền có thể kế thừa từ nguồn dữ liệu nền hiện có của Sở TN&MT hoặc từ nguồn Google Map. Dữ liệu chuyên đề sẽ kế thừa từ các dự án/đề tài đã được thực hiện trước đây thông qua việc thu thập, chuyển đổi định dạng dữ liệu theo định dạng. Về nhân lực, cần thiết phải đào tạo chuyển giao việc ứng dụng hệ thống để phục vụ công tác quản lý, giải quyết nghiệp vụ của cán bộ.
Đề xuất, kiến nghị
Theo Thạc sĩ Lưu Đình Hiệp, điểm nổi bật của mô hình là phân tích, thiết kế mô hình hệ thống phục vụ quản lý phương tiện vận chuyển chất thải trên cơ sở ứng dụng công nghệ tích hợp GPS/GIS. Sau sáu tháng thử nghiệm trên các phương tiện vận chuyển CTNH của Công ty Tân Phát Tài và phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu của Công ty Môi trường đô thị thì thấy có độ tin cậy cao, đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu.
Vì tính hiệu quả, sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý môi trường của Sở; thay thế công tác quản lý dữ liệu về nguồn thải, chủ xử lý và phương tiện theo phương pháp truyền thống; giúp quy trình nghiệp vụ nhanh và chính xác hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực…
Từ sự cần thiết này, nhóm thực hiện đề tài xin được kiến nghị: UBND TP.HCM, các bộ ngành cho phép triển khai kết quả đề tài phục vụ công tác quản lý trong thời gian sớm nhất; đồng thời hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị GPS (chiếm phần lớn kinh phí của dự án) trên các phương tiện vận chuyển bùn hầm cầu. Việc đăng ký thuê bao sử dụng GPRS nên giao cho Công ty Hòa Bình (chủ xử lý) đăng ký, thu phí sử dụng dịch vụ và đóng tiền thuê bao cho nhà cung cấp dịch vụ (nhằm đảm bảo duy trì hoạt động của hệ thống GPRS và đáp ứng yêu cầu quản lý thuê bao của Bộ Thông tin và Truyền thông). Tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ của các đơn vị trực thuộc Sở để họ có thể sử dụng các sản phẩm của đề tài và đủ khả năng đề xuất, phát triển các ứng dụng GIS, GPS trong ngành tài nguyên và môi trường.
VŨ YẾN