Chiều 4-4, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với năm tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023, kế hoạch triển khai hợp tác năm 2024, UBND TP.HCM phối hợp với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024.
Nhiều dự án trọng điểm chờ nhà đầu tư
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định sự phát triển của TP.HCM luôn song hành và gắn liền với sự phát triển của địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Ông thông tin thời gian qua TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, dựa trên việc khai thác thế mạnh của từng địa phương.
“Chương trình hợp tác phát triển của TP.HCM với vùng Tây Nguyên đã có những tác động mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng lưu chuyển hàng hóa và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân TP.HCM và cả vùng này” - ông Hoan nhận xét.
Trên cơ sở đó, TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên tiếp tục tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 nhằm mời gọi các nhà đầu tư vào 558 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể như hạ tầng giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chế biến, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, logistics, y tế...
Đặc biệt là mời gọi đầu tư vào một số dự án trọng điểm như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng); dự án khu đô thị mới tổ 1, phường Nghĩa Đức (Đắk Nông); Nhà máy xử lý chất thải rắn (Đắk Lắk); dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (Gia Lai) và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tắm bùn, suối khoáng, thác Đắk Lung (Kon Tum).
Thông qua hội nghị, phó chủ tịch TP.HCM kỳ vọng các doanh nghiệp TP cũng như doanh nghiệp các tỉnh bạn có thể nghiên cứu đầu tư vào vùng đất có nhiều cơ hội để thành công như vùng Tây Nguyên. Từ đó, mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững và hài hòa của cả hai địa phương, đóng góp vào việc củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai địa phương trong thời gian tới.
Doanh nghiệp kiến nghị gỡ nhiều vướng mắc
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, khẳng định TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn và đầu mối xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên là vựa nông sản và là vùng nguyên liệu quan trọng. “Tuy nhiên, việc kết nối, liên kết và hợp tác trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm chưa thực sự căn cơ, chưa đi theo hướng có chiều sâu và chưa phát huy hết các tiềm năng vốn có” - bà Chi đánh giá.
Bà Chi mong lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên hỗ trợ cung cấp thông tin về các lĩnh vực thế mạnh, tình hình sản xuất, các dự án cần hợp tác đầu tư và chính sách thu hút đầu tư để phổ biến đến doanh nghiệp.
Bà Chi cũng đề xuất TP.HCM và các địa phương chủ động đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của địa phương, định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường... Qua đó, tạo thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, doanh nghiệp VinaCarbon, bày tỏ sự phấn khởi khi thấy lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đưa ra các chính sách cụ thể về thuế, quỹ đất... từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tại khu vực này.
Ông Tùng đánh giá vùng Tây Nguyên nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là về tín chỉ carbon. Ông gợi mở các doanh nghiệp đầu tư tại các tỉnh vùng Tây Nguyên nên tập trung phát triển bền vững gắn với ba yếu tố môi trường, xã hội và quản trị nhằm tiếp cận gần hơn với thị trường thế giới.
Trong khi đó, ông Đặng Đình Long, Công ty CP Đầu tư thương mại Megaa, mong lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên quyết liệt trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, đặc biệt là về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Theo ông, cần đến tận nơi trồng nông sản, cơ sở chế biến để xem nông dân trồng gì, làm gì, diện tích bao nhiêu... Từ đó cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói nhằm tạo minh bạch trong sản xuất và an toàn thực phẩm.
“Đây cũng là “hàng rào” thương mại, kỹ thuật mà thị trường thế giới đặt ra. Khi thị trường đã đặt ra “hàng rào” mà ta không lấy đó làm mối lo thì vẫn còn xảy ra tình trạng ở đâu đó cần giải cứu nông sản. Đây là việc vô cùng cấp thiết” - ông Long bày tỏ.
TP.HCM sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp đến năm tỉnh Tây Nguyên khảo sát
Để hiện thực hóa các kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các đoàn doanh nghiệp cụ thể theo ngành, lĩnh vực đến với các tỉnh vùng Tây Nguyên để xem xét thực tiễn, khảo sát. Đồng thời trao đổi với tỉnh để xem có thực hiện dự án nào hoặc tìm ra cơ hội đầu tư, dự án đầu tư mới để giới thiệu cho các đối tác của TP.HCM.
Ông Hoan cũng đề nghị các đơn vị của TP bổ sung tài liệu về các dự án đầu tư ở vùng Tây Nguyên để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư tại TP.HCM.
“Có những dự án TP.HCM không thể đáp ứng được thì phải tranh thủ giới thiệu cho năm tỉnh Tây Nguyên, phải quan tâm lợi ích cả vùng, đầu tư cho các tỉnh cũng là đầu tư cho sự tăng trưởng, phát triển của TP.HCM” - ông Hoan khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Hoan nhìn nhận dù TP.HCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhưng chưa thể vận dụng hết đội ngũ trí thức trong việc nghiên cứu khoa học phát triển vùng nguyên liệu. Do đó, ông Hoan đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) rà roát phối hợp với năm tỉnh xem cần nghiên cứu gì và đặt hàng các trường ĐH tại TP thực hiện và đưa ra kết quả cụ thể.
Theo ông Võ Văn Hoan, Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2024 không giải quyết được bài toán mang tầm chiến lược, tầm xa nhưng hội nghị là “cầu nối” để TP.HCM và các tỉnh gợi mở ra nhiều vấn đề.