TP.HCM: Việc ngập đầu, cán bộ phường, xã vã mồ hôi

(PLO)- Tại hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), một cán bộ địa chính quản lý 35.000-40.000 dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dân số ngày một tăng, công việc ngày càng nhiều, nhân sự thì bị cắt giảm hơn một nửa; công chức phải làm thêm giờ, ngày cuối tuần cũng phải vào cơ quan làm việc… Đó là thực trạng đang xảy ra ở nhiều phường, xã đông dân tại TP.HCM trong thời gian qua.

35 người giải quyết việc của hàng trăm ngàn người

Bình Chánh là huyện ngoại thành có dân số đông nhất nhì TP.HCM với hơn 800.000 dân. Riêng xã Vĩnh Lộc A có 164.000 dân, xã Vĩnh Lộc B có hơn 140.000 dân. Tuy nhiên, biên chế nhân sự được giao cho mỗi xã (trừ trưởng công an xã) là 35 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (gọi chung là nhân sự).

Đối với xã Vĩnh Lộc A, do dân số quá đông, địa bàn rộng và phức tạp nên sáu tháng đầu năm 2022, địa phương này được huyện Bình Chánh cử thêm ba công chức biệt phái đến hỗ trợ.

Hiện bình quân mỗi cán bộ của phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân phục vụ gần 4.000 người dân, áp lực công việc rất lớn. Ảnh: LÊ THOA

Hiện bình quân mỗi cán bộ của phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân phục vụ gần 4.000 người dân, áp lực công việc rất lớn. Ảnh: LÊ THOA

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, với số lượng nhân sự như trên thì bình quân mỗi nhân sự cấp xã tại huyện phục vụ 2.274 người dân. Trong khi bình quân chung tại TP là một nhân sự cấp xã phục vụ khoảng 1.264 người dân. “Diện tích rộng, khoảng cách di chuyển xa, dân số đông, cường độ phục vụ của mỗi nhân sự cấp xã tại Bình Chánh cao hơn so với bình quân chung của TP khoảng 44%” - UBND huyện Bình Chánh thông tin.

Nếu so sánh giữa các xã, phường, thị trấn loại I, mức dân số trung bình khoảng 20.000 dân thì bình quân một cán bộ, công chức phục vụ khoảng 900 người dân. Thế nhưng tại xã Vĩnh Lộc A, một nhân sự sẽ phục vụ khoảng 7.476 người dân, hơn gấp tám lần; xã Vĩnh Lộc B, một nhân sự phục vụ khoảng 6.373 người dân, hơn gấp bảy lần…

Hiện hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B được bố trí bốn công chức địa chính. Nếu chia bình quân trên tổng dân số thì mỗi cán bộ địa chính quản lý 35.000-40.000 dân. Lãnh đạo hai xã này cho biết những công chức địa chính không chỉ phụ trách các vấn đề đất đai, xây dựng mà còn phải choàng gánh công việc như môi trường và các vấn đề phát sinh khác.

Theo bà Lại Thị Bích Trâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, do khối lượng công việc quá nhiều, cán bộ, công chức xã thường xuyên phải làm thêm việc. “Đa phần mọi người làm việc đến 19, 20 giờ, thậm chí 22 giờ phòng làm việc vẫn sáng đèn. Thậm chí làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật” - bà Trâm cho hay.

Đặc biệt, để giải quyết nhu cầu của người dân, từ tháng 3-2022, xã này có chủ trương kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ của người dân từ 17 giờ đến 18 giờ 30 thứ Ba và thứ Năm hằng tuần (thêm 1,5 tiếng so với quy định).

Dân số, công việc tăng khủng, nhân sự giảm sâu

Phường Bình Hưng Hòa A có diện tích hơn 465 ha với 125.000 dân, chiếm gần 9% tổng diện tích và 15,5% dân số toàn quận. Đây là phường đông dân nhất tại quận Bình Tân, vượt gấp tám lần so với quy chuẩn.

Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, mỗi nhân sự phường hiện đảm nhận khoảng 30 đầu việc. Có những chức danh phải làm rất nhiều đầu việc như phụ trách kinh tế 45 đầu việc, thủ quỹ - văn thư - lưu trữ 35 đầu việc. Mảng tư pháp - hộ tịch khoảng 20 đầu việc…

Ông Ngân cho biết nhân sự giảm thì khối lượng công việc của từng người sẽ tăng lên. Chẳng hạn, cán bộ kinh tế phường trước kia mỗi người quản lý 5-7 khu phố với hơn 1.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn một người và phải quản lý cả 27 khu phố với hơn 5.410 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra, phải thực hiện một số công việc thuộc lĩnh vực hạ tầng, kỹ thuật như điện dân lập, công cộng, cấp nước, quản lý cây xanh…

Năm 2020, phường Bình Hưng Hòa được giao biên chế 64 người nhưng sau khi sắp xếp theo Nghị định 34/2019 thì chỉ còn 35 người. “Bình quân mỗi nhân sự phường phải phục vụ gần 4.000 dân nên áp lực công việc rất lớn” - ông Ngân nói và kiến nghị TP đề xuất Chính phủ cho phép TP bố trí, bổ sung nhân sự.

Cụ thể, đối với phường trên 50.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân, bố trí thêm một công chức và một người hoạt động không chuyên trách. Đồng thời kiến nghị tăng chế độ phụ cấp. Bởi theo ông Ngân, từ năm 2020 trở về trước, cán bộ không chuyên trách phường được hưởng phụ cấp công vụ 25% nhưng từ năm 2021 không còn khoản phụ cấp này.

Còn ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho biết phường có dân số là 107.000 người, khối lượng công việc rất lớn. Chỉ tiêu giao biên chế theo quy định là 37 người nhưng hiện phường chỉ có 34 người. Do đó cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ, nhiều cán bộ đã nộp đơn xin nghỉ việc, trong đó có một chủ tịch phường.

Lãnh đạo các phường, xã đông dân tại TP.HCM đều cho biết hiện nay cán bộ, công chức đều rất áp lực, không chỉ giải quyết công việc chuyên môn mà còn phải gồng gánh rất nhiều công việc khác nhau mới đảm bảo giải quyết nhu cầu của người dân.

Bình Chánh kiến nghị tăng bốn phó chủ tịch
tại bốn xã đông dân

Theo UBND huyện Bình Chánh, năm 2020, toàn huyện có 381 nhân sự nhưng sau khi sắp xếp giảm 157 nhân sự. Hiện nay chỉ có 244 cán bộ, công chức, bán chuyên trách trên toàn huyện.

Để giải quyết khó khăn về nhân sự, huyện Bình Chánh kiến nghị TP cho phép tăng thêm một phó chủ tịch tại các xã đông dân gồm Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm