Vì sao nhiều người dân ở Bình Chánh khiếu nại vượt cấp về đất đai?

Chiều 1-3, tại UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM, Đoàn đại biểu quốc hội có buổi làm việc với UBND huyện Bình Chánh về việc giám sát thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Buổi làm việc chiều 1-3 tại UBND huyện Bình Chánh. Ảnh: NT

Nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai

UBND huyện Bình Chánh cho biết thời gian qua, trên địa bàn phát sinh nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tập trung trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức…

Theo ông Hà Tấn Lộc, Chánh Thanh tra huyện Bình Chánh, tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn đã đặt ra nhu cầu về nhà ở của người dân, dẫn đến các trường hợp xây dựng sai phép, không phép.

Một số dự án chậm triển khai làm ảnh hưởng đến công tác cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cũng gây ra tâm lý bức xúc, phát sinh tăng các đơn khiếu nại.

Ông Lộc cho rằng một số trường hợp cố tình khiếu nại, tố cáo vì mục đích cá nhân. Nguyên nhân theo ông là do quy định pháp luật hiện nay về xử lý người lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo chưa rõ ràng.

Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng thời gian trước đây còn nhiều bất cập, hạn chế, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng tồn tại nhiều năm, khó xử lý ngay...

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn Đại biểu Quốc hội. Ảnh: NT

Nhiều tố cáo, khiếu nại vượt cấp lên TP.HCM

Tại buổi làm việc, đại diện Thanh tra TP.HCM cho hay đơn vị nhận được rất nhiều đơn thư từ người dân từ huyện Bình Chánh gửi lên. Chỉ tính riêng năm 2021, Thanh tra TP đã nhận được 29 đơn khiếu nại, 23 đơn tố cáo, 15 đơn phản ánh, kiến nghị.

“Theo dõi chung thì Bình Chánh là địa bàn phát sinh đơn nhiều nhất. Do có nhiều dự án đầu tư, thu hồi đất, công tác bồi thường chưa có sự đồng thuận nên khiếu nại không giảm, tố cáo rất nhiều” – vị đại diện nói và cho rằng địa phương cần có những biện pháp tiếp nhận, xử lý.

“Nếu trường hợp chưa xử lý được thì tổ chức gặp gỡ công dân, xin lỗi hoặc có tâm thư để người dân đồng cảm, chia sẻ” – người này tiếp.

Với những hồ sơ quá hạn, đại diện Thanh tra TP cho hay cần hạn chế thấp nhất vì nhiều lúc đây không phải lỗi của công dân mà do công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa các đơn vị giải quyết.

Ông Hà Tấn Lộc cho biết tốc độ gia tăng dân số trên địa bàn quá nóng là một trong các nguyên nhân dẫn đến công trình sai phép, không phép. Ảnh: NT

Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP cũng cho rằng nếu không làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không tốt thì ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Đạt đặt câu hỏi: Việc tiếp công dân ở địa phương có xây dựng quy chế không? Đặc biệt là quy chế phối hợp. “Thực tế là không có phối hợp thì khó giải quyết. Đơn thư vượt cấp gửi nhiều về cho TP, đặc biệt là chủ tịch HĐND TP” – ông Đạt nêu.

Phía Ban Pháp chế cũng chia sẻ những khó khăn vì địa bàn huyện Bình Chánh rất rộng, tốc độ phát triển quá nóng và khiếu nại chủ yếu là về đất đai.

Ông Đạt nêu vấn đề là quy định chỉ có Chủ tịch UBND huyện trực tiếp tiếp công dân. “Tuy nhiên trong báo cáo có cả Phó Chủ tịch ra tiếp (95 lượt – PV). Như vậy khối lượng công việc nhiều quá nên có kiến nghị là cho phép cấp phó tiếp. Nhiều như vậy chủ tịch tiếp sao nổi” – người này tiếp.

Cần xử lý tốt tiếp công dân, xử lý khiếu nại tố cáo từ cơ sở

Đại diện Ban Pháp chế HĐND TP còn nêu lên những khó khăn của địa phương như dân cư đông, cán bộ kiêm nhiệm, không đủ nhân lực… Tuy nhiên nếu ở cấp cơ sở xử lý tốt về công tác tiếp công dân thì đơn thư vượt cấp giảm xuống...

Các đại biểu tại buổi làm việc với huyện Bình Chánh. Ảnh: NT

Bà Phan Thị Bình Thuận, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cũng cho rằng địa phương cần nêu ra những khó khăn, vướng mắc để các đại biểu quốc hội có kiến nghị, bổ sung.

“Những hồ sơ quá hạn giải quyết còn nhiều, chúng ta cần quan tâm giải quyết đúng thời hạn. Bởi việc hồ sơ quá hạn sẽ khiến người dân bức xúc, gửi vượt cấp khiến giải quyết phức tạp” – bà Thuận nói.

Trong khí đó, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu quan điểm rằng việc phối hợp trong tiếp nhận đơn thư, xử lý và thực hiện kết quả xử lý là một biện pháp hết sức quan trọng.

Ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất nên sản xuất các sản phẩm truyền thông để người dân hiểu hơn về khiếu nại, tố cáo. Ảnh: NT

“Đài truyền hình, Sở Tư pháp nên kết hợp với các đơn vị liên quan sản xuất các chương trình, tiểu phẩm tuyên truyền về khiếu nại, tố cáo để người dân xem, hiểu biết hơn để những khiếu nại, tố cáo không cần thiết, không hợp lý giảm xuống” – ông đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết sẽ ghi nhận, nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Theo ông, trên địa bàn hiện có khoảng 300 dự án chậm triển khai. Trong đó, dự án lớn nhất là hơn một ngàn hộ bồi thường, thấp nhất là hơn 10 hộ từ đó phát sinh nhiều đơn thư.

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cũng nói về những khó khăn của địa phương như nhân lực còn hạn chế. Do đó ông đề xuất tăng biên chế cho các xã hoặc biệt phái những cán bộ ở những phường có dân số thấp về công tác ở xã có dân số đông.

Phát biểu kết luận, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chia sẻ khó khăn của huyện Bình Chánh vì địa bàn đô thị hóa nhanh, phức tạp về đất đai, nhiều dự án kéo dài, vướng mắc…

Theo bà Tuyết, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã cần trực tiếp tiếp công dân theo đúng quy định là bốn lần/tháng, cấp dưới chỉ đóng vai trò hỗ trợ. 

“Nhiều xã trên địa bàn huyện có hơn 100.000 dân. Những cán bộ tiếp dân phải có kiến thức, nắm chắc quy định của pháp luật. Đây là công việc áp lực hơn các phòng ban khác. Ai làm tốt thì cần phải quan tâm, động viên” – bà Tuyết nói.

Từ năm 2016 đến năm 2021, Bình Chánh đã tiếp nhận 14.228 lượt người tới tố cáo, khiếu nại. Có 73 đoàn đông người.

UBND huyện Bình Chánh cũng tiếp nhận hơn 9.000 đơn, trong đó có hơn 6.000 đơn là phản ánh, kiến nghị, còn lại là khiếu nại và tố cáo.

Số vụ thụ lý, giải quyết là 486 đơn. Trong đó, 30 vụ việc công dân khiếu nại đúng; 59 vụ chỉ đúng một phần.

Kết quả đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 1,6 tỉ đồng, bồi thường cho người dân hơn 91 tỉ đồng và bố trí sáu nền tái định cư.

UBND huyện Bình Chánh đã phê bình, rút kinh nghiệm đối với hai tổ chức; xử lý kỷ luật khiển trách với ba cá nhân, phê bình 22 cá nhân và hai cá nhân không xử lý do nghỉ việc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm