Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ giám sát 2.000 địa chỉ nhà, đất công

Chiều 17-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021.

Tập trung chuẩn bị nghị quyết thay thế Nghị quyết 54

Phát biểu tại hội nghị, ĐB Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, năm 2022, Đoàn ĐBQH TP phải tập trung chuẩn bị một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Theo ĐB Ngân, sau khi QH cho TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù thì các địa phương lần lượt đi theo. Do đó việc TP đánh giá Nghị quyết 54 sẽ được rất nhiều địa phương quan tâm.

Ngay từ bây giờ TP thực hiện đánh giá để đến kỳ họp thứ tư QH khóa XV sẽ tổng kết, đánh giá. “Lúc đó chúng ta chuẩn bị sẵn đề án để thay thế Nghị quyết 54 hoặc xin kéo dài Nghị quyết 54 thêm hai năm vì dịch COVID-19 và bổ sung một số nội dung” - ĐB Ngân nói. Ông cũng cho rằng TP nên tận dụng các ĐB trung ương trong Đoàn ĐBQH TP để đặt hàng với Ủy ban Pháp luật của QH để chuẩn bị xây dựng Luật đô thị đặc biệt cho TP hoặc gửi gắm Đoàn Luật sư TP, Hội Luật gia TP nghiên cứu để tư vấn cho TP có sự chuẩn bị.

ĐB Ngân cho rằng vừa qua khi sáp nhập các phường, thành lập TP Thủ Đức đã phát sinh nhiều vướng mắc về cơ chế, y tế cơ sở, định biên ở phường, xã trong khi dân số đông. Hay công tác chống dịch cũng nổi lên nhiều vấn đề cần có cơ chế đặc thù mạnh hơn Nghị quyết 54. “Cần tìm ra lối đi cho một đô thị đặc biệt như TP.HCM” - ĐB Ngân nói thêm.

ĐB Ngân cũng cho biết Nghị quyết 54 vẫn vướng về việc xử lý tài sản công, đất công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP. “Cử tri quận 10 bức xúc chỉ ra những trụ sở công, đất công của cơ quan trung ương trên địa bàn quận làm ô nhiễm môi trường, gây lãng phí” - ĐB Ngân nói và đề nghị Đoàn ĐBQH nên giám sát vấn đề này trong năm tới, thực hiện đấu giá tài sản công để có tiền đầu tư hạ tầng.

Còn ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP, cho hay kế hoạch giám sát về thực hành chính sách tiết kiệm, chống lãng phí trong năm tới sẽ có giám sát về nhà, đất công. Đoàn đang phối hợp với Sở Tài chính để lập kế hoạch, trong đó có giám sát một số địa chỉ của các cơ quan trung ương đang đóng trên địa bàn TP, trên tinh thần là muốn đấu giá những địa điểm này để thực hiện Nghị quyết 54.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Tuyết cho biết Sở Tài chính TP đã lập danh sách hơn 2.000 địa chỉ nhà, đất của cơ quan trung ương, chi tiết nơi nào sử dụng đúng mục đích, nơi nào không.

Trong giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐB Tuyết cho biết Đoàn ĐBQH TP sẽ chọn vài vụ việc kéo dài để giám sát, giải quyết.

Vụ việc kéo dài khiến đại biểu trăn trở

Hiện vẫn còn những vụ việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân khiến ĐB rất trăn trở. Hiện nay, hằng ngày tôi vẫn nhận được tin nhắn, đơn thư phản ánh của người dân. Do đó, Đoàn ĐBQH TP nên có một số buổi làm việc với các cơ quan chuyên ngành, trực tiếp tiếp xúc để giải quyết dứt điểm.

ĐB TRẦN KIM YẾN, Bí thư Quận ủy quận 1 

“Các đại biểu đừng ngại giám sát tôi”

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng Đoàn ĐBQH TP, nhìn nhận năm 2021 là năm rất đặc biệt vì vừa là năm chuyển tiếp nhiệm kỳ, vừa là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH TP đã đoàn kết vượt qua khó khăn, làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Chất lượng đóng góp của đoàn chất lượng, sâu sắc, đã được QH tiếp thu, chuyển hóa vào các văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách lớn.

Theo ông Mãi, năm 2022, Đoàn ĐBQH TP sẽ phát huy tiếp xúc cử tri chuyên đề, có kế hoạch bố trí ĐB tiếp xúc ngoài nơi ứng cử. Trong công tác giám sát sẽ tập trung giải quyết các vấn đề đang đặt ra, giải quyết dứt điểm một số vụ kéo dài như sử dụng tài sản công, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại…

“Rõ ràng khi giám sát thì sẽ giám sát việc chấp hành và thực hiện các quy định pháp luật của chính quyền, các ĐB ngại vì cuối cùng là giám sát tôi. Cái này không ngại, chúng ta đóng đúng vai, các ĐB phải có trách nhiệm trước hiến pháp, pháp luật, nhân dân… để làm đúng. Ai trong vai nào thì cố gắng làm tròn vai đó, chưa tròn thì giám sát, chỉ ra những điểm thiếu sót, chưa tròn để làm tốt hơn…” - ông Mãi chia sẻ và đề nghị ĐB tập trung nâng cao vị thế, vai trò của đoàn ở TP và trung ương.•

 

91 nhóm kiến nghị gửi trung ương

Trong năm 2021, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 29 cuộc tiếp xúc cử tri. Trong đó có hai cuộc tiếp xúc chuyên đề với doanh nghiệp và cử tri ngành y tế TP với khoảng 3.300 cử tri tham dự, có 239 lượt ý kiến tham gia phát biểu.

Qua đó có 177 nhóm ý kiến, kiến nghị cử tri, gồm 86 nhóm kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của trung ương, 91 nhóm kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của TP, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Cùng với đó là theo dõi, đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm ở trung ương và địa phương giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đoàn ĐBQH TP cũng đã giám sát các nghị quyết của trung ương và HĐND TP.HCM về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021 của QH; các giải pháp để kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP trong thời gian tới…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm