Chiều 9-1, Thành uỷ TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế.
Xây dựng 10.000 phòng học
Theo báo cáo của Thành uỷ TP.HCM, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục TP.HCM thực hiện đổi mới có hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
TP.HCM đã triển khai các chế độ, chính sách đặc thù riêng nhằm thu hút đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành GD&ĐT. Theo đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức của ngành được hưởng chế độ thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TP; 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, phổ thông dân lập, tư thục hưởng các chế độ theo Nghị quyết 01.
Giai đoạn 2013-2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách TP hàng năm, đạt tỉ lệ từ 20% đến 31%, bình quân đạt khoảng 24%, đảm bảo tỉ lệ tối thiểu 20% so với chỉ tiêu đề ra.
Giai đoạn 2013-2022, TP đã hoàn thành xây dựng 10.000 phòng học, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh; thực hiện các chính sách tín dụng, ưu tiên, học bổng, hỗ trợ tài chính cho các đối tượng chính sách.
Qua 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết 29, Ngành GD&ĐT đã có những mô hình hay. Cụ thể toàn ngành tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở GD&ĐT.
Mô hình Trường THPT chất lượng cao; mô hình trường học thông minh đáp ứng mục tiêu giáo dục học sinh năng động.
Thực hiện mô hình lớp học số, triển khai thí điểm trong năm học 2022-2023 tại các Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học.
Năm học 2022-2023, thực hiện thành công đề án thí điểm thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng tại các trường THPT thuộc huyện Củ Chi và Cần Giờ.
Hoạt động dạy và học ngoại ngữ hiệu quả, đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh.
Mô hình quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, đẩy mạnh liên thông đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học đảm bảo phù hợp với Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung...
Nhiều điểm sáng trong giáo dục đào tạo
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những thành tích mà ngành GD&ĐT TP đã đạt được trong thời gian qua.
Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, TP.HCM đã dành nguồn lực lớn cho phát triển giáo dục đào tạo trong đó có những điểm sáng như ban hành chế độ chính sách đặc thù.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, điểm quan trọng là sự chuyển biến về chất của GD&ĐT TP.
Nhiều điểm sáng trong GD&ĐT như chất lượng giáo dục được nâng lên, nhiều mô hình mới sáng tạo, đột phá theo nhu cầu xã hội. Phát triển quy mô cơ cấu trường lớp hợp lý, chú trọng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực phẩm chất của học sinh, nhằm đưa GD&ĐT TP tiệm cận với nền giáo dục tiên tiến của thế giới.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thông ngày càng được chú trọng, gia đình và nhà trường ngày càng có mối quan hệ chặt chẽ. Sự vận hành của giáo dục TP ngày càng chuẩn hoá, phân cấp, phân quyền theo hướng tinh gọn, tăng cường chuyển đổi số, giáo dục toàn diện. Giáo dục đại học theo hướng tự chủ, phân cấp, phân quyền tự chịu trách nhiệm.
“Đối với những mặt đã làm được tiếp tục phát huy, đẩy mạnh. Những hạn chế ra sức khắc phục. Một kết quả lớn ghi nhận được sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, các cấp uỷ đảng, chính quyền, toàn dân về đổi mới toàn diện giáo dục và gìn giữ cốt cách truyền thống khuyến học khuyến tài” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.