TQ thử nghiệm tàu mặt nước không người lái tại căn cứ hải quân bí mật?

Phía trước những vách đá tuyệt đẹp và một cối xay gió được trang trí theo phong cách châu Âu là một bến tàu bí mật của Hải quân Trung Quốc.

Bến tàu gần TP. Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, là nơi Trung Quốc đang triển khai một số chương trình hải quân bí mật nhất và chưa từng được báo cáo trước đây, trong đó có hoạt động thử nghiệm các tàu mặt nước không người lái (USV).

Thông tin trên do trang tin tức của Viện Hải quân Mỹ (USNI News) dẫn các hình ảnh vệ tinh của công ty công nghệ vũ trụ Maxar (Mỹ) và một phân tích thông tin tình báo mở ngày 11-10 tiết lộ.

Tàu USV "JARI" của Trung Quốc. Ảnh: MARITIME-EXECUTIVE

Hình ảnh vệ tinh cho thấy bến tàu này bắt đầu được xây dựng từ đầu năm 2016 và mất khoảng một năm. Kể từ đó, hải quân Trung Quốc đã sử dụng cơ sở này, nhưng với tần suất không liên tục. 

Trong quá trình sử dụng, hai sà lan lớn được neo đậu cạnh bến tàu để cung cấp các phương tiện cơ bản cho thủy thủ đoàn và nhân viên hỗ trợ. 

Theo ảnh vệ tinh, bản thân bến tàu này bề ngoài cơ bản trông giống một căn cứ quân sự. Tổng hợp lại, các yếu tố trên cho thấy đây là một cơ sở phụ trợ, được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động thử nghiệm và diễn tập ngắn hạn.

Các ảnh vệ tinh của Maxar cũng cho thấy sự xuất hiện của các tàu ngầm Trung Quốc tại bến tàu này. 

Theo đó, một tàu ngầm Type 035 lớp Ming đã được phát hiện đang thực hiện các bài kiểm tra dằn bên mạn tàu. 

Cơ sở này có thể được sử dụng để hỗ trợ căn cứ tàu ngầm Xiaopingdao gần đó, theo USNI News.

Trung Quốc bí mật thử nghiệm USV mới?

Việc căn cứ này trở thành một địa điểm phụ trợ sẽ mang lại lợi ích khi một tàu USV được thử nghiệm ở những nơi xa hơn các căn cứ hải quân chính, theo đó tàu USV có nhiều không gian hơn để hoạt động an toàn. 

Theo USNI News, bến tàu chỉ cách căn cứ tàu ngầm Xiaopingdao khoảng 14,5 km, và cách TP. Đại Liên 5 km đường chim bay. 

Hơn nữa, bến tàu này chỉ cách một khu vực du thuyền dân sự gần đó 1,6 km, nơi một USV – có tên gọi là “JARI” - từng được nhìn thấy vào năm 2020. Đáng chú ý, ảnh vệ tinh của Maxar đã phát hiện hai tàu USV mới, chưa từng được công bố, xuất hiện tại bến tàu và đều có hình dáng tương tự “JARI”.

Tàu USV "JARI" của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tiết lộ “JARI” dưới dạng mô hình vào năm 2018, xây dựng nguyên mẫu vào tháng 8-2019 và tiến hành thử nghiệm trên biển vào tháng 1-2020.

“JARI” – dài khoảng 15 mét - được ví như một tàu khu trục mini vì được trang bị vũ khí và hệ thống cảm biến tiên tiến. 

Đóng vai trò là một trạm vũ khí từ xa (RWS), tàu “JARI” dự kiến được tích hợp hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) tên lửa đất đối không và hai ống phóng ngư lôi hạng nhẹ. Các cảm biến bao gồm radar mảng pha, thiết bị điện quang và thiết bị quét thủy âm.

Liên quan tàu USV của Trung Quốc chưa từng được công bố, USNI News cho biết tàu có hình thức tổng thể tương tự “JARI”. 

Cụ thể, tàu có cấu trúc tổng thể tương tự và dường như có cùng một radome thông tin liên lạc, cũng như có những lỗ chứa ống phóng ngư lôi ở mỗi bên. 

Tuy nhiên, USV mới này có kích thước lớn hơn nhiều so với JARI – dài khoảng 21 mét. 

“JARI” do Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), cụ thể là Viện nghiên cứu số 702 và Viện nghiên cứu số 716, sản xuất. Nói rộng ra, loại USV mới này có thể cũng cùng từ một nơi sản xuất.

Liên quan tàu USV chưa được công bố thứ hai, USNI News cho biết đây là một tàu hai thân, cũng có chiều dài khoảng 21 mét. 

Theo USNI News, Trung Quốc đã xây dựng nhiều dự án USV. Một số đã được tiết lộ tại các cuộc triển lãm vũ khí, trong khi một số dự án khác, chẳng hạn USV được cho là bản của tàu “Sea Hunter” của Mỹ, chưa được phía Trung Quốc công bố chính thức. 

Trong khi hầu hết các cường quốc đang thử nghiệm công nghệ hải quân không người lái, Trung Quốc chỉ mới tiết lộ một số chương trình USV. 

Hai tàu USV được phát hiện tại bến tàu gần TP. Đại Liên nhìn chung có kích thước lớn và chắc chắn. Điều này cho thấy tốc độ nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc rất nhanh, USNI News nhận định.

Phát hiện mới trên về bến tàu của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang chú trọng các hệ thống không người lái được trang bị vũ trang như một nỗ lực phát triển then chốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm