Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp lần đầu tiên vào ngày 6 và 7-4 tới kể từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Trong khi Mỹ có các phát ngôn cứng rắn thì Trung Quốc lại đưa ra tông giọng hòa giải để “lấy lòng” trước cuộc gặp.
Trong một dòng trạng thái đăng trên Twitter hôm 30-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ quan điểm cho thấy cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ căng thẳng khi nói rằng Mỹ không thể chấp nhận sự thâm hụt mậu dịch quá lớn và công ăn việc làm của người Mỹ bị mất đi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ. Ảnh: AP
Ông Trump nói rằng cuộc gặp, mà dự kiến cũng sẽ thảo luận về những bất đồng quanh vấn đề Triều Tiên và tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông, “sẽ rất khó khăn”. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Mỹ “vô cùng quan ngại” về quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một động thái nhằm “lùi một bước tiến ba bước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã nhắc lại mong muốn hợp tác thương mại của Trung Quốc với Mỹ. “Liên quan tới các vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Mỹ trong quan hệ thương mại, cả hai bên cần tìm ra các giải pháp thích hợp theo hướng có lợi và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định trong quan hệ thương mại Trung-Mỹ” - Reuters dẫn lại lời ông Lục.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang. Ảnh: INDIAN CONSULATE IN SHANGHAI
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang hôm 31-3 thừa nhận có tình trạng bất cân bằng trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng nói rằng điều đó hầu hết là do những khác biệt trong kết cấu kinh tế của hai quốc gia.
“Trung Quốc không có ý tìm kiếm thặng dư mậu dịch. Chúng tôi cũng không có ý định tiến hành phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu. Đây không phải là chính sách của chúng tôi” - ông Trịnh nói.
Ông Trịnh nói rằng tiêu dùng nội địa ở Trung Quốc sẽ tăng lên khi Bắc Kinh theo đuổi các cải cách kinh tế. Điều đó dẫn tới nhu cầu sử dụng các hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài, trong đó có Mỹ, tăng cao. “Điều này cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng bất cân bằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Ông Trịnh cũng “hạ giọng” kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm công nghệ dân sự sang Trung Quốc và tạo điều kiện tốt hơn cho người Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Mỹ vào tuần tới. Ảnh: AFP
Hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc cũng đưa ra một tông giọng hòa giải. “Dĩ nhiên, hai nước không thể nào giải quyết được tất cả những khác biệt chỉ trong một cuộc gặp ngoại giao. Tuy nhiên, miễn là hai quốc gia có thể duy trì sự tin tưởng, mà đã được cho thấy gần đây, để nói chuyện và nhượng bộ dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau thì những khác biệt sẽ không khó để hòa giải”.
Ngày 31-3, ông Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm xác định những hành vi không công bằng gây thâm hụt mậu dịch của Mỹ và đối phó hành vi bán phá giá, cũng như chống trợ giá bởi các chính phủ nước ngoài.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ cho biết chính sách công nghiệp của Trung Quốc và việc hỗ trợ tài chính cho các ngành công nghiệp nước này như thép và nhôm dẫn tới tình trạng sản xuất thừa và khi xuất khẩu tăng liên tục, thị trường toàn cầu sẽ bị tổn hại và tính cạnh tranh giữa các công ty giảm đi.