Nhiều năm qua, ngày 5-9 là ngày khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, vì một số lý do nên đa phần các tỉnh, thành đều tập trung học sinh (HS) và tổ chức dạy học trước đó 1-2 tuần, thậm chí trước cả tháng. Chính điều đó đã khiến ngày lễ khai giảng không còn mang đúng ý nghĩa của nó.
Tại sao lại đi học trước khai giảng?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết việc học trước rồi mới khai giảng đã diễn ra khá lâu.
Lý do, khối lượng kiến thức nhiều nên phải học trước để đảm bảo nội dung chương trình. Mặt khác, do điều kiện thời tiết ở một số tỉnh, thành thường mưa bão, lũ lụt. Do đó, các tỉnh thường tổ chức dạy trước để nghỉ vào những đợt thiên tai. Cho nên ngày tựu trường trước khi khai giảng không thống nhất trên toàn quốc mà tùy vào từng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, TP.HCM, cho biết các trường đều tựu trường từ ngày 15-8 nhưng chương trình thực học chỉ có một tuần, một tuần trước đó ổn định nề nếp và tổ chức. Tuy nhiên, việc đi học sớm cũng gây khó khăn cho giáo viên (GV) lẫn phụ huynh.
“Thay vì tháng 7, GV được nghỉ hè một cách trọn vẹn thì một số thành phần cốt cán phải đi học bồi dưỡng, tập huấn để tháng 8 chuẩn bị cho việc tựu trường. Do đó, tôi đề xuất Bộ GD&ĐT nên tôn trọng thời gian nghỉ hè của GV. Tất cả hoạt động tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nên tổ chức trong tháng 8. Còn tháng 9 thì các trường hãy tập trung vào việc dạy học” - ông Hùng bày tỏ.
Chưa kể, hai tuần trước khi bước vào năm học mới, đa phần các trường đều không thực hiện bán trú nên đã gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón trẻ.
“Thời chúng tôi đi học đều khai giảng trước rồi mới bắt đầu năm học mới. Giờ năm nào các con cũng đi học trước hai tuần rồi mới khai giảng. Vì thế cháu không có được cái cảm giác đón chờ năm học mới. Chưa kể, trong thời điểm này các trường không tổ chức bán trú nên phụ huynh rất mệt mỏi. Chồng đi làm xa, một mình tôi phải đưa đón con đi học. Những ngày này tôi phải xin phép làm việc ở nhà vì việc đưa đón con chiếm rất nhiều thời gian” - chị T.Hương, một phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học ở quận 2, bổ sung.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM rạng ngời trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Hãy khai giảng rồi mới bắt đầu học
Ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận việc các trường tựu trường nhưng không thực hiện bán trú đã gây khó khăn cho phụ huynh. Do đó, nếu các trường không thể thực hiện bán trú ngay từ khi tựu trường thì không nên tổ chức học sớm làm gì. “Các trường có thể tự quyết ngày tập trung HS tới trường một vài ngày để ổn định, sắp xếp lớp chứ không được dạy học. Việc bắt đầu chương trình năm học mới sẽ từ ngày 5-9” - hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh nói.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho biết: “Hiện chương trình học đã được tinh giản, hơn nữa việc dạy và học trực tuyến đã được các trường triển khai. Do đó, tôi nghĩ từ năm học 2020-2021 nên khai giảng rồi mới học”.
Hãy trả lại khai giảng và tuổi thơ cho con trẻ Nên đi học trước hay sau khai giảng? Trả lời câu hỏi này rất đơn giản nhưng điều quan trọng hơn là phải giải quyết được gốc rễ của vấn đề vì sao phải đi học trước hay sau khai giảng. Quan điểm của tôi nên khai giảng năm học mới rồi mới bắt đầu học. Bởi nếu đi học trước, khai giảng sau thì lễ khai giảng đâu còn mang ý nghĩa. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, chúng ta phải thiết kế một nền giáo dục với mục đích, nội dung, cách học và thời lượng học tập phù hợp để HS của chúng ta vừa học hiệu quả, vừa được sống đúng với tuổi thơ hay tuổi trẻ của mình, vừa có thời gian vui chơi. Nhân chuyện đi học trước hay sau khai giảng này, chúng ta nên bàn rộng hơn về mục đích cuối cùng của giáo dục là gì và cách thức nào để hiện thực hóa mục đích đó. Từ đó sẽ tiến hành thay đổi mọi thứ một cách căn cơ, qua đó sẽ trả lại mùa hè, trả lại khai giảng và trả lại tuổi thơ cho con trẻ. Ông GIẢN TƯ TRUNG, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED |
Ông Nguyễn Văn Ngai cho hay vấn đề tựu trường sớm rồi mới khai giảng nhiều năm qua đã nhận được những ý kiến trái chiều. “Với tình hình hiện nay, tôi ủng hộ phương án khai giảng vào ngày 5-9 và học luôn, chứ không học trước như những năm trước. Tuy nhiên, lễ khai giảng là ngày quan trọng cho nên có thể tập trung HS trước 1-2 hôm để sắp xếp lớp, công bố nội quy, vệ sinh trường lớp” - nguyên phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ thêm.
Để thực hiện được điều đó, theo ông Ngai, Bộ GD&ĐT nên tiếp tục rà soát chương trình, nội dung nào không cần thiết thì điều chỉnh, miễn sao đảm bảo kiến thức cơ bản để khi lên lớp, HS đáp ứng được những kỹ năng cần thiết.
Niềm mong mỏi “ngày tựu trường cũng là ngày khai giảng” cũng được các phụ huynh đồng tình.
Bày tỏ quan điểm của mình, chị Hoàng Thị Thúy Hạnh, khu đô thị Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, cho rằng ngành giáo dục nên nhân đợt dịch COVID-19 này mà lập lại đúng trật tự KHAI GIẢNG rồi ĐI HỌC để HS vừa có thời gian nghỉ ngơi, GV có thời giờ chuẩn bị. Quan trọng hơn là tạo được cảm xúc về ngày khai giảng như một ký ức tuổi thơ cho con trẻ, đừng biến ngày khai giảng trở nên máy móc và sai với bản chất của nó.
“Tôi là GV mầm non nên tôi hiểu trẻ cần gì ở ngày khai giảng, đi học trước 2-3 tuần cũng không giải quyết được nội dung của cả một chương trình, vì vậy tôi đề nghị những năm học sau nên có thay đổi nhất quán về việc khai giảng và tựu trường” - chị Hạnh nói thêm.
Một trưởng Phòng GD&ĐT tại Hà Nội cũng đồng tình: “Khi chúng ta học trước, khai giảng sau thì sẽ được nề nếp, tức là được một nhưng chúng ta sẽ mất đi chín, mất đi mười - đó là mất đi niềm vui, ý nghĩa ngày khai giảng, mất đi cái hào hứng đầu năm học... Do vậy, tôi vẫn tha thiết mong muốn có một mùa khai giảng đúng ý nghĩa hơn là một lớp học đúng nề nếp nhưng không có tinh thần”.
Không ảnh hưởng quỹ thời gian năm học PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết trong thiết kế chương trình giáo dục hiện hành, số tuần học thực của bậc trung học là 37 tuần, tiểu học là 35 tuần. Nếu lấy mốc khai giảng từ ngày 5-9 đến thời điểm kết thúc năm học hằng năm là 31-5 thì vẫn còn dư 1-2 tuần dự phòng. Do vậy, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch hợp lý thì vẫn có thể tựu trường đúng ngày 5-9. Ngày 20-6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học áp dụng từ năm học 2020-2021. Dự thảo này sắp xếp ngày tựu trường năm học mới sớm nhất vào ngày 1-9. Theo đó, từ ngày 1 đến 5-9, các cơ sở giáo dục chỉ chuẩn bị, sắp xếp kế hoạch cho năm học, không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Việc dạy và học chỉ được tiến hành chính thức sau khai giảng năm học mới. Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng hướng dẫn tinh giản chương trình của các cấp học để đảm bảo thời gian hoàn thành kiến thức chương trình trên lớp, để các trường chủ động về thời gian thực học. Nhà trường có thêm thời gian để tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế, phát huy sáng tạo của HS. Đà Nẵng đã thực hiện từ nhiều năm qua Từ bốn năm nay, TP Đà Nẵng đã thực hiện không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng như một số địa phương trên cả nước. Trước khi khai trường vài ngày, các trường sẽ cho HS tập trung để các em quen với trường lớp, bạn bè cũng như có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất khi bước vào năm học mới. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, cho biết đây là khoảng thời gian để HS quen với trường lớp, nhất là HS khối lớp 1 vì các em từ trường mầm non chuyển qua, chưa quen với nề nếp trường mới nên cần có thời gian để ổn định. Đối với các khối lớp lớn thì đây là thời gian để GV rà soát các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời hỗ trợ các em sách giáo khoa, quần áo mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em bước vào năm học mới. Đồng tình với quan điểm trên, cô Đinh Thị Ngọc Lan, Hiệu phó Trường THPT Thanh Khê, đánh giá cách làm của Đà Nẵng là hợp lý. “Ngày 5-9, nhà trường dành khoảng một tiết để khai giảng, sau đó HS bước vào môn học đầu tiên. Điều này tạo tâm lý thoải mái và hào hứng cho GV, HS. Phụ huynh cũng rất hoan nghênh vì thực ra việc học trước 1-2 tuần không có nhiều ý nghĩa” - cô Lan cho hay. |