Video clip củaPháp Luật TP.HCM cho thấy ngay cả khi đã xả trạm, dòng xe vẫn đi theo QL1 thay vì đi vào đường tránh bởi xa hơn, không có dải phân cách và đèn đường. Nó cho thấy lời giải thích của lãnh đạo Bộ GTVT không thuyết phục vì đoạn QL1A qua Cai Lậy vẫn đủ năng lực đáp ứng lưu thông; sự lựa chọn không đi đường tránh cho thấy dự án BOT đường tránh Cai Lậy không cấp thiết.
Còn người dân đi trên QL1A thì cho rằng thu phí là điều sai trái bởi: Thứ nhất 300 tỉ đồng duy tu QL phải lấy từ ngân sách có từ phí bảo trì đường bộ và nếu có phải trả tiền để đi thì họ chỉ trả phí cho khoản thảm nhựa 300 tỉ đồng, cớ sao phải trả phí cho hàng ngàn tỉ đồng xây dựng đường tránh khi mà họ không sử dụng?
Từ đó, không thể không hỏi: BOT đường tránh Cai Lậy đặt ra để phục vụ dân hay lập ra để thu phí làm giàu cho chủ đầu tư? Những vấn đề vừa nêu, cho đến thời điểm này, không có một giải thích nào thật sự thuyết phục về lý lẽ, luật lệ, cả lý lẫn tình đều trớt hướt.
Khi mà kêu trời không thấu, người dân đã phải phản ứng. Việc họ bày tỏ nó một cách ôn hòa và đúng luật là điều cần được ghi nhận. Họ bực bội, họ trả phí bằng tiền lẻ nhưng điều đó luật không hề cấm, dĩ nhiên họ được quyền làm. Điều đó có thể gây phiền toái, kẹt xe nhưng không sai luật. Đề xuất cấm sử dụng tiền lẻ mà chỉ dùng tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên để trả phí trạm BOT là một đề xuất phi lý và thiếu tôn trọng đồng tiền quốc gia.
Việc của trạm BOT Cai Lậy và các trạm BOT đường bộ là nâng cao năng lực đáp ứng để có thể thu phí bằng đồng Việt Nam ở bất kỳ mệnh giá nào nếu đó là những đồng tiền được Ngân hàng Nhà nước phát hành và còn giá trị sử dụng.
Hơn nữa, việc trả tiền lẻ là cách mà người dân bày tỏ sự phản ứng, cái cần triệt tiêu là nguyên nhân gây ra phản ứng ấy: Sự phi lý, bất công, chèn ép người dân để thu tiền dưới hình thức đầu tư BOT; sự thiếu minh bạch dự án. Dân đi đường phải trả tiền thì Bộ GTVT là cơ quan thay mặt dân ký hợp đồng BOT, họ phải đứng về quyền lợi của người dân mà họ đại diện, phải hỏi ý kiến dân chứ không thể ưu ái chủ đầu tư mà chèn ép dân.
100% các dự án BOT giao thông được thanh tra đều là chỉ định thầu; điều khoản và giá trị đầu tư các hạng mục được bảo mật; người dân không được tham vấn; việc đếm xe nhằm làm cơ sở tính thời hạn thu phí chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn trong khi nó được lấy làm mốc áp dụng cho quá trình dài; không thay đổi lưu lượng xe gia tăng làm cơ sở tính phí… hàng loạt những chi tiết ấy, lợi chảy về túi chủ đầu tư, còn người bị móc túi là dân.
Nên chăng chủ đầu tư lẫn những người có trách nhiệm phải nhìn thẳng vào nguyên nhân, thay vì hậm hực gọi việc trả phí bằng tiền lẻ là cố tình gây rối, là nguyên nhân của ùn tắc.