Du nhập về Việt Nam cách đây hơn 15 năm, trà sữa được biết đến như một trong những thức uống phổ biến nhất hiện nay. Đối với nhiều người trẻ, đặc biệt là tại Sài Gòn, uống trà sữa là nhu cầu cá nhân không thể bỏ qua. Dù trong nhiều năm trở lại đây, có rất nhiều khuyến nghị về mức uống cũng như một vài lý thuyết cho rằng trà sữa là nguyên nhân của việc tăng cân, béo phì.
Để làm rõ điều này, phóng viên PLO thực hiện các bài viết để làm rõ lợi, hại trong trà sữa.
Trà sữa lợi hại do người uống
BS. CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp- Phó Chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết về cơ bản trà sữa được tạo nên từ nước, trà mà thông thường là bột trà, sữa và đường. Ngoài ra còn có các thành phần khác như trân châu, thạch, nước trái cây… điều này tùy thuộc vào các nhà sản xuất.
Nhiều thông tin cho rằng trà sữa là thức uống không mang lại lợi ích gì cho cơ thể, song điều này theo bác sĩ Diệp, lợi hay hại, tùy thuộc vào nguồn gốc nguyên liệu và thói quen của người tiêu dùng.
“Nhìn chung trà sữa là một thức uống thích hợp với người sử dụng nếu biết sử dụng đúng cách và sử dụng nguyên liệu đảm bảo”, Bác sĩ Diệp nhận định.
Để lý giải điều này, vị chuyên gia dinh dưỡng cho hay, xét về thành phần dinh dưỡng, trà sữa là một loại đồ uống có năng lượng. Mức năng lượng sẽ phụ thuộc vào kích cỡ và thành phần tạo nên ly trà sữa. Ngoài ra trà sữa còn chứa một lượng đường chuyển hóa nhanh và đây cũng chính là nguồn chính tạo ra năng lượng của một ly trà sữa.
“Thực tế trà sữa đem lại một số chất dinh dưỡng cho cơ thể, song hàm lượng không nhiều. Đơn cử như canxi đi ra từ đường, sữa và thậm chí là bột trà. Một chút vitamin nhóm B có trong đường, sữa. Một lượng ít rất ít các khoáng chất như phố pho, vitamin D từ sữa, hay thành phần khác như phô mai, trân châu, trái cây, hạt é…” Bác sĩ Diệp cung cấp thêm.
Một ly trà sữa chứa rất nhiều năng lượng từ thành phần làm nên chúng. Ảnh: Foody
Cũng theo bác sĩ, chính vì những hàm lượng dinh dưỡng cũng như mùi vị, cảm quan bắt mắt trên đã khiến trà sữa trở thành thức uống được nhiều người sử dụng.
“Trà sữa có lợi thế chứa hàm lượng đường chuyển hóa nhanh nên đáp ứng được nhu cầu cần năng lượng tức thì, đáp ứng được cả nhu cầu về vị giác và cung cấp nước cơ thể. Vì thế uống một ly trà sữa có thể khiến người sử dụng cảm thấy dễ chịu và bớt mệt mỏi. Điều này phần nào lý giải được câu hỏi vì sao người trẻ rất thích loại thức uống này”, bác sĩ Diệp bày tỏ quan điểm.
Không nên coi trà sữa là nguồn cung cấp nước
Không thể phủ nhận trà sữa đã và đang là thức uống phổ biến ở trên toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, đã có giai đoạn người ta cổ vũ việc thay vì uống nước ngọt có ga thì hãy sử dụng trà sữa.
Trước điều này, bác sĩ Đỗ Thi Ngọc Diệp cũng bày tỏ quan điểm đồng thuận khi chỉ ra rằng nếu như độ tốt giữa hại loại nước này thì trà sữa lại có vẻ…tốt hơn bởi năng lượng có thật mà chúng cung cấp. Trong khi đó nước ngọt có ga lại chỉ chứa năng lượng rỗng và một chút hàm lượng caffein.
“Song nói như thế không có nghĩa trà sữa là thức uống hoàn toàn tốt và nên được cổ vũ. Nếu coi trà sữa là nguồn cung cấp nước, dinh dưỡng hay phương tiện tạo ra năng lượng, thì điều này cần phải xem xét lại”, chuyên gia dinh dưỡng lưu ý.
Bác sĩ Diệp phân tích: Bản chất trong thành phần của trà sữa pha chế có đường mà đặc biệt là trà sữa chai công nghiệp, và lượng đường này sẽ thay đổi theo kích cỡ, công thức của từng nơi. Nếu lấy một mức quy chuẩn của một ly trà sữa là 250 ml thì ước chừng cũng có 30 g đường/ly.
Không nên coi trà sữa là nguồn cung cấp nước và dinh dưỡng. Ảnh: Nguyên Hà
Thực tế một số tiệm hoặc thương hiệu cho đường nhiều hơn thế, có thể là 70-80 g. Điều này có nghĩa là chúng ta đang tiêu thụ quá nhiều đường so với quy chuẩn. Nhưng phải nhớ rằng đường trong trà sữa không chỉ là nước đường, mà còn ở các thành phần như sữa béo, trà hay trân châu, các loai gia vị thêm vào.
Hiện nay tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị một người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 10% năng lượng từ đường chuyển hóa nhanh và nên tiêu thụ ít hơn 5% năng lượng từ loại đường này. Bác sĩ Diệp giả định một người trưởng thành ăn ở mức năng lượng 2000 KcL thì chỉ nên ăn 200 kcl từ đường chuyển hóa nhanh và tốt nhất là 100 kcl từ đường này. Nếu xét 100 kcl từ đường thì một ngày một người trưởng thành không nên ăn quá 25 g.
“Khi uống một ly trà sữa 250 ml thôi thì ta đã uống quá 25 g đường khuyến nghị và kích cỡ ly càng to thì lượng đường tiêu thụ càng nhiều và vượt quá mức khuyến nghị”, bà khẳng định.
Như vậy, theo vị chuyên gia dinh dưỡng này, việc uống quá nhiều trà sữa mà lại không biết điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như lối sinh hoạt sẽ khiến chúng ta tiêu thụ quá nhiều đường. Mà các tổ chức Y tế đã khẳng định rằng, việc đưa một hàm lượng đường cao vào cơ thể có liên quan đến rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe.