Trà Vinh đang đẩy mạnh loại hình du lịch "thuận thiên"

(PLO)- Ngày 6-5, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và Du lịch TP.HCM tổ chức hội thảo “Trà Vinh - tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Du lịch "thuận thiên" hấp dẫn doanh nghiệp

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Trà Vinh, cho biết ngành du lịch đã có những bước phát triển đột phá, tỉnh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng... hình thành nên các tuyến du lịch được các DN lữ hành ngoài tỉnh lựa chọn là tham quan khi đến với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

So với giai đoạn trước, năm 2016-2020 lượng khách du lịch đến Trà Vinh tăng 17,84%. Riêng 2019 (trước dịch COVID-19), tỉnh đón hơn 1 triệu lượt khách và sau khi dịch cơ bản được kiểm soát trong bốn tháng đầu năm 2020 tỉnh đón hơn 200.000 lượt khách tham quan.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Du lịch Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy xây dựng du lịch Trà Vinh đến năm 2030 ngành kinh tế mũi nhọn, trong ba đột phá của tỉnh xác định du lịch nằm trong ba trụ cột này.

Trên tinh thần đó, Sở Du lịch xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy gắn với chương trình hợp tác toàn diện cùng Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển du lịch TP.HCM phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng của tỉnh.

GS. TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp khoa Văn hoá học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM (Đại học quốc gia TP.HCM), cho biết Trà Vinh bước đầu hình thành một số điểm du lịch khá tiêu biểu tích hợp hầu hết các loại hình du lịch nông thôn theo cách riêng và mức độ hội tụ khá thành công.

Đơn cử như Cồn Chim, người dân nơi đây sinh sống ở ven sông Cổ Chiên nhờ nuôi tôm cua vào sáu tháng mùa khô và trồng lúa sáu tháng mùa mưa. Nếu dùng phân bón hóa học cho cây lúa mùa này thì chết tôm mùa kế và ngược lại nếu dùng thức ăn hóa học cho tôm sẽ hại lúa vụ sau nên người dân vùng này kiên trì với định hướng nông nghiệp sạch thuận tự nhiên.

Với sự đồng điệu giữa con người với thiên nhiên như vậy, Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và du lịch TP.HCM đã khéo léo xây dựng giá trị cốt lõi của Cồn Chim là điểm đến du lịch “thuận thiên”, “về Cồn chim người dân chỉ có tấm lòng”. Sau hai năm hoạt động, đến tháng 12-2021 Cồn Chim đón khoảng 15.000 lượt khách.

Mô hình “du lịch tự thân” ở Cồn Hô thì sinh kế của người dân dựa vào canh tác nông nghiệp và đánh bắt thủy hải sản.

So với Cồn Chim, Cồn hô là cù lao nhỏ không có điện, không có đường nhựa, không có xe máy…Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM đã tận dụng những điều kiện sẵn có khai thác chính những thiếu thốn, khó khăn để xây dựng một điểm đến du lịch “tự thân” kết hợp du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái với điểm nhấn đặc biệt “tour ban đêm” đèn dầu soi lối nhỏ mang đến cho du khách ký ức tuổi thơ thiếu thốn nhưng đầy ắp tình người…

“Với mô hình du lịch thuận tự nhiên Cồn Chim (huyện Châu Thành) , du lịch tự thân Cồn Hô (huyện Càng Long) du lịch hợp điểm ở Cồn Trứng và Du lịch làng Văn hóa Khmer Trà Vinh cho thấy những khởi sắc gần đây của du lịch Trà Vinh” - GS.TS Hiền nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Trang, Giám đốc khối nội địa Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết qua chuyến khảo sát ngày 4 và 5-6 cho thấy tỉnh Trà Vinh đã tạo dấu ấn riêng khác biệt so với các tỉnh ĐBSCL đó là du lịch “thuận thiên” ở Cồn Chim hay mô hình du lịch “tự thân” ở Cồn Hô. Đây là sản phẩm DN có thể triển khai và phù hợp xu hướng du lịch hiện nay là theo nhóm nhỏ, gia đình kết hợp trải nghiệm giáo dục.

Ví dụ những người trẻ muốn rời xa nhịp sống hối hả thành phố có thể về Cồn Hô trải nghiệm tour “ăn các loại mứt uống trà dưới ánh đèn dầu” giúp họ có khoảng lặng để tái tạo năng lượng khi trở lại công việc.

Theo bà Trang, nhắc đến Trà Vinh đa số du khách đều hỏi ở đó có gì hay và khi chưa có những sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch “thuận thiên” hầu hết Trà Vinh chỉ là một điểm trong cung đường du lịch đến ĐBSCL.

Do đó, tỉnh cần có chiến lược quảng bá sản phẩm du lịch độc đáo này để du khách biết đến nhiều hơn, có cái nhìn khác hơn để thôi thúc họ đến để trải nghiệm.

Tương tự bà Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Star (Saigon star travel), cho biết, qua khảo sát các sản phẩm du lịch cộng đồng, “thuận tự nhiên” có rất nhiều cảm xúc, nhất là sản phẩm “du lịch tự thân” ở Cồn Hô, Trà Vinh đang làm rất hay. “Sau khảo sát chúng tôi sẽ xây dựng tour, đầu tiên là phục vụ thị trường khách nước ngoài đầu và khách trung niên thị trường nội địa" - bà Thủy nói.

Doanh nghiệp du lịch khảo sát và thưởng thức nước sâm, mứt dừa...tại điểm đến Bếp Xưa Nam Bộ thuộc mô hình du lịch "thuận thiên" Cồn Chim. ẢNH: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp du lịch khảo sát và thưởng thức nước sâm, mứt dừa...tại điểm đến Bếp Xưa Nam Bộ thuộc mô hình du lịch "thuận thiên" Cồn Chim. ẢNH: TÚ UYÊN

Cần đầu tư cơ sở vật chất, truyền thông quảng bá

Theo bà Thuỷ, DN có thể khai thác du lịch “thuận thiên” đáp ứng nhu cầu du khách nhưng dịch vụ, cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng được. Nếu tỉnh truyền thông tốt, các DN du lịch đưa khách về nhiều thì cung không đủ cầu. Đồng thời, nói là du lịch “thuận thiên” nhưng cần có tính chuyên nghiệp, đầu tư dịch vụ phục vụ cho du khách.

Ví dụ, đến Cồn Chim, ngoài được thưởng thức món sương sâm cùng nước cốt dừa, uống nước hoa đậu biếc, du khách sẽ muốn được nghe về cách chế biến, tác dụng của món ăn, thức uống là gì, hay khách muốn mua về...thì ở đây chưa có.

Hoặc khi du khách đến Cồn Chim muốn mặc đồ bà ba checkin cho đúng điệu nhưng tìm mua hoặc thuê đồ cũng chưa có. Vì vậy, du lịch làm sao có thể khai thác thêm các dịch vụ tại điểm đến để du khách đến có thể xài tiền. Qua đó, giúp tăng nguồn thu, đóng góp doanh thu cho kinh tế tỉnh.

“Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng tình cảm của người dân “chạm” vào được trái tim du khách qua cách chuẩn bị món ăn, tươm chất, cách phục vụ chu đáo. Bà con gửi gắm tình cảm đến du khách bằng những hành động rất thật như ra tận bờ sông chào đón và lưu luyến bằng những cái vẫy tay đầy cảm động. Tuy nhiên, tôi lo lắng sau này khi lượng khách đổ về đông, khối lượng công việc tăng lên, liệu tình cảm đong đầy, sự phục vụ chu đáo như hiện nay còn giữ được không” - bà Thủy chia sẻ.

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Trà Vinh, cho biết, tỉnh rất trân trọng những ý kiến đóng góp cũng như đề xuất các giải pháp của chuyên gia, DN lữ hành…nhằm giúp tỉnh có nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với nông thôn mới, có những tour tuyến đáp ứng được mong đợi của du khách.

Tỉnh mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nhằm phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh nhanh và bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm