Sau khoảng bốn giờ đồng hồ, trên chuyến bay thẳng từ TP.HCM, đoàn chúng tôi gần 200 người từ mọi miền tổ quốc đã được đặt chân đến đất Phật (Ấn Độ – Nepal). Đặc biệt, chuyến hành hương này đoàn chúng tôi được các vị hòa thượng, thượng tọa hướng dẫn làm các lễ cầu phước lành khi chiêm bái bốn thánh tích linh thiêng gắn với cuộc đời của Phật.
Trải nghiệm đi xe tuk tuk “xuyên màn đêm”
Dù việc di chuyển từ thánh tích này đến thánh tích khác mất khoảng bốn giờ đồng hồ, đường đi gập ghềnh, dằn xóc nhưng khoảng thời gian ấy mọi người được ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó giám đốc trung tâm hướng dẫn viên công ty du lịch Vietravel kể về lịch sử cuộc đời đức Phật, giáo lí Phật, đất nước Ấn Độ, Nepal… Nhờ thấu hiểu được phần nào cuộc sống của người dân Ấn Độ, Nepal… nên không ai cảm thấy quá mệt mỏi.
Cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía Nam bang Bihar- Ấn Độ, chúng tôi đến với thánh tích đầu tiên là Bồ đề đạo tràng.
Ông Toàn giới thiệu: Nơi đây được xem là khu thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, nhận được sự kính trọng đặc biệt của Phật tử cũng như quan tâm các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.
Giá trị nhất trong khu thánh địa này là ngôi Đại Tháp có kiến trúc như hình kim tự tháp, vuông bốn cạnh và nhọn dần lên đỉnh. Xung quanh thân tháp có nhiều hoa văn và mỗi hốc tường từ chân tháp lên đỉnh đều có tôn trí tượng đức Thích Ca Mâu Ni và chư vị Bồ Tát…
Vì vậy, khoảng 6 giờ tối từ nơi ở, đoàn chúng tôi háo hức lên đường trên những chiếc xe tuk tuk. Dù đường nhiều ổ gà, xe liên tục dằn xóc, bụi bặm tung tóe, thỉnh thoảng mới có vài ánh đèn từ các cửa hàng bán hàng lưu niệm, tạp hóa dọc đường thắp sáng nhưng anh tài xế vẫn chạy băng băng khiến ai cũng thích thú.
Bỏ lại sự náo nhiệt bên ngoài với cảnh mua bán hàng rong xô bồ, mời gọi du khách mua nào là postcard in hình thánh tích, tràng hạt… , qua các bậc tam cấp với lối đi dành cho nam nữ riêng và phải thêm một vòng an ninh nữa, chúng tôi cùng hàng trăm người từ các quốc gia khác đều chánh niệm vào bên trong ngôi đại tháp. Trên bảo tòa Đức Phật ngồi kiết già trang nghiêm với tư thế xúc địa ấn, mặt quay về phía cửa ra vào.
Thật hữu duyên, chúng tôi chứng kiến được hàng trăm phật tử từ các quốc gia mang vật phẩm cúng dường trong những âm thanh niệm phật đầy linh thiêng. Đặc biệt, hòa cùng tiếng cầu kinh là khoảnh khắc từng bộ kim y do những đoàn phật tử khắp thế giới được đắp lên tượng Phật hòa cùng lời cầu kinh rất lắng đọng.
Rời khỏi ngôi tháp, chúng tôi đến với bảo tòa Kim Cang - vị trí đức Phật ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới cội cây bồ đề. Hiện chỗ này được bảo vệ trong một hàng rào xi măng có lối kiến trúc cổ và một hàng rào có trụ bằng kim loại mạ vàng bao quanh rất trang nghiêm. Chúng tôi như tan vào không gian tĩnh lặng cùng những đoàn phật tử đang ngồi tọa thiền ngay dưới cội bồ đề.
“Dù trải qua nhiều lần sinh diệt, nhưng vị trí ngày hôm nay so với gốc cây ban đầu vẫn không có sự thay đổi, vẫn định vị như gốc cây nguyên thủy mà hơn 2.500 năm về trước nơi mà nhà khổ hạnh Sĩ Đạt Đa đã giác ngộ thành Phật” ông Toàn kể.
Chỉ là một thị trấn nhỏ, cách thành phố Gorakhpur chừng 50 km thuộc vùng Bắc Ấn Độ, thuộc bang Bihar, Câu Thi Na nơi mà hơn 2.500 năm về trước đức Thế Tôn an trụ trong Vô Dư Niết Bàn là điểm đến thứ hai mang đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc.
Sau khi xếp hàng trật tự, đoàn chúng tôi đã chuẩn bị sẵn bộ kim y, hòa theo lời niệm phật của các vị hòa thượng, ai nấy đều chú tâm trong từng bước đi của mình để tiến vào bên trong ngôi tháp. Chúng tôi thật xúc động khi nhìn thấy tượng đức Phật nhập niết bàn rất an nhiên. Tượng có chiều dài khoảng 7 m, làm bằng đá đen và thiếp vàng, mặt tượng hướng về phía Tây, đầu gối lên tay phải, tay trái để xuôi theo thân về hướng Nam trong tư thế nằm nghiêng. Đoàn hành hương được hướng dẫn để mỗi người được tận tay mình đắp chiếc y hoàn chỉnh trên tượng Phật linh thiêng này.
Cách Ấn Độ khoảng 30 km, sáng hôm sau chúng tôi đi Nepal đến vườn Lâm Tỳ Ni - một trong bốn thánh tích quan trọng nhất của Phật giáo. Sau khi được tận hưởng không khí se lạnh trong ánh nắng ấm áp cùng cảm giác gập ghềnh trên xe tuk tuk. Đoàn chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 10 phút mới đến Lâm Tỳ Ni. Từ xa, hình ảnh đầu tiên là phế tích của khu vườn xưa còn sót lại với những cạnh nền gạch cũ. Thấp thoáng dưới các tán cây xanh mát là từng nhóm phật tử, người xuất gia…khắp nơi trên thế giới đang làm lễ hoặc thiền.
Sau khi làm lễ bên ngoài khu phế tích, mỗi người đều trang nghiêm bước vào chiêm ngưỡng dấu chân Phật vẫn còn in trên đá, được xác định là vị trí lúc đức Phật đản sinh. Trên bờ tường gạch kề bên dấu chân Phật cách mặt đất khoảng 3 m có một bức phù điêu rất đẹp khắc hình hoàng hậu Ma Da trong tư thế đứng đang đưa tay vịn cành cây vô ưu. Phía trước có hình thái tử đản sinh và xung quanh có những thị nữ đang đứng hầu….Tuy nhiên những vết tích cổ xưa đang được xây kín lại để chống xói mòn.
Rời Nepal về lại Ấn Độ, đoàn chúng tôi đến với thánh tích cuối cùng là vườn Lộc Uyển.
Ông Toàn cho biết, nơi đây có các chứng tích hùng hồn khẳng định vị trí Phật giáo trong cách nhìn của các nhà học giả và tôn giáo học phương tây…. Việc thành lập Tăng đoàn và Tam Bảo là xuất xứ từ di tích lịch sử trọng đại này. Tuy nhiên, những gì còn sót lại trong vùng khảo cổ được tìm thấy là các bức tường gạch nằm ngang dọc của các tu viện; tháp Dhamek; trụ đá vua Asoka.
Từ ngoài cổng đi vào, nhìn qua hướng tay phải cách khoảng 100 m, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy ngôi tháp Dhamek, tròn cao khoảng 34 m. Ngôi tháp này được vua Asoka xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên. Để đánh dấu vị trí xuất xứ của bài pháp đầu tiên, khởi nguồn cho bánh xe chánh pháp lăn chuyển. Xung quanh thân tháp được khắc chạm nhiều hoa văn chữ vạn; hoa sen hoặc hình bông mai…
Đoàn hành hương được các vị hòa thượng hướng dẫn làm lễ cúng kim y tại nơi Phật nhập niết bàn
Nếu đi hành hương một mình sẽ rất khó khăn
Tại bốn thánh tích cũng như những địa điểm khác trong chuyến hành hương như núi Linh Thứu…chúng tôi ấn tượng với hình ảnh những đoàn hành hương trên thế giới ngồi thiền, giảng pháp, hay niệm danh hiệu Phật với các ngôn ngữ khác nhau. Tất cả hòa quyện không còn ranh giới nào.
“Hành hương về đất Phật đến với tôi một cách rất bất ngờ. Đến được nơi gắn liền với cuộc đời đức Phật là điều mà tôi cầu nguyện nhiều năm nay” - Đó là phần lớn những bộc bạch đầy hạnh phúc những người trong đoàn.
Chị Nhàn (Phú Nhuận) kể mình có dự định đi hành hương từ tháng 8 năm ngoái nhưng do một vài yếu tố đã không thể đi được. Trước đây chị tin Phật pháp một cách mơ hồ nhưng khi đến các thánh tích được tận mắt chứng kiến lòng rất hoan hỉ, tín tâm hơn.
Theo chị Nhàn, thời gian ngồi trên xe, mọi người được anh Thy hướng dẫn viên (HDV) kể về lịch sử cuộc đời đức Phật, các đại đệ tử của Phật… Ngược lại mọi người hỏi anh Thy nhiều câu hỏi như “chùa được xây bao nhiêu gạch; trong đám trẻ ăn xin có bao nhiêu em dưới 3 tuổi; cát trên sông Hằng là bao nhiêu khối; những con cá được phóng sanh trên sông Hằng trong đó có bao nhiêu con cá cái, bao nhiêu con cá đực…đều được trả lời suôn sẻ! Vì vậy, dù di chuyển liên tục, xa xôi nhưng mọi người rất vui.
Trong khi đó, chú Hoàng, ngụ quận 8, TP.HCM cho biết, nếu đi đơn lẻ sẽ khó có được chương trình chu đáo vì không có sự dẫn dắt của các thầy trong thực hiện nghi lễ khi đến mỗi thánh tích. "Đặc biệt, tham gia tour hành hương này tôi chứng kiến được “người thật việc thật”. Tôi đã khóc khi đến nơi phật nhập niết bàn” - Ông Hoàng kể.
Bà Trương Thị Thu Giang, Phó giám đốc Ban tiếp thị công ty du lịch Vietravel cho biết, nhận thấy nhu cầu du lịch tâm linh của du khách Việt ngày càng cao. Riêng trong tháng 1-2019 có khoảng 10.000 lượt hành hương du lịch trong và ngoài nước.
"Chúng tôi đã tiên phong tổ chức các tour bay thẳng đến đất Phật. Trước đây, tour bay thẳng Việt Nam - Ấn Độ đã được Vietravel Hà Nội tổ chức. Đến tháng 1-2019, lần đầu tiên thử nghiệm tổ chức tour này và được đón nhận. Nhưng loại hình tour này sẽ được tổ chức từ cuối tháng 9 đến tháng 3 năm sau, vì đây mới mùa hành hương tại Ấn Độ” - bà Giang nói.