Trái tim trong bàn tay phải

Trên tờ báo đó có bài viết về cô bạn họa sĩ bị liệt cả hai chân. Tôi tò mò đọc lại những số báo cũ và đón đọc cả những số mới, thấy xuất hiện khá đều đặn những bài viết rất đa dạng về cộng đồng những người khuyết tật (NKT). Việc báo chí có khá nhiều bài viết về đối tượng dễ tổn thương là NKT thật là một điểm sáng.

Tuy nhiên, bên cạnh nội dung, sự tích cực của những bài báo thì thật đáng tiếc, chúng ta vẫn rất dễ dàng bắt gặp những tít báo kiểu “Người lái đò cụt tay, chột mắt vượt lũ cứu bà con”, “Anh chàng mù mơ đến trường”, “Mẹ tàn tật quỳ gối trước mặt con gái vì không mua được điện thoại cho con”, “Con trai câm điếc, cụt tay bón mớm mẹ già khiến người nhìn xót xa”, “Chuyện cổ tích về mối tình anh công nhân với cô gái tàn tật..”… Trong những bài báo đó, không chỉ cái tít mà còn nhặt ở nội dung không ít từ: Câm, điếc, mù, què, thọt, thần kinh, hay dở hơi.

Khi truyền thông bỏ qua các vấn đề có ảnh hưởng đến hơn 7 triệu NKT Việt Nam và gia đình của họ, vô hình trung khiến NKT cảm thấy mặc cảm vì không được nhắc đến và những bất bình đẳng mà họ đang gặp phải cũng không được đề cập một cách đúng mức. Những bài báo hay, từ cái tâm của người cầm bút sẽ giúp cho công chúng biết đến những thay đổi tích cực đối với NKT. Điều này làm cho công chúng có một hình ảnh chính xác về khuyết tật và NKT tại Việt Nam. Nhưng những danh từ gọi về dạng tật chưa chính xác, không đúng luật sẽ vô tình hình thành những định kiến và quan niệm sai lầm về họ.

Một số bài báo sử dụng những từ ngữ không phù hợp với người khuyết tật.

Chính những bài báo đó đã nuôi dưỡng và đẻ ra những thái độ kỳ thị, xa lánh nhiều hơn là cảm phục khi mặc định (dù mơ hồ) rằng những NKT là bất hạnh, là khác biệt, là… vô tích sự.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan niệm “Khuyết tật là một giai đoạn của tất cả các con người đều phải trải qua, khi chúng ta già đi với đôi chân chậm chạp, đôi mắt mờ và đôi tai nghễnh ngãng, ta mới hiểu rằng khuyết tật không phải là câu chuyện riêng ai cả”. Vậy đã đến lúc báo chí hãy đưa ra một bức tranh chính xác về tất cả nhóm người trong xã hội, không chỉ thể hiện sự công bằng mà là điều phải làm. NKT nên được trở thành một phần của hoạt động thông tin chính thống để đảm bảo rằng mọi người đều có quyền bình đẳng, có quyền được tôn trọng phẩm giá và những giá trị riêng của họ. Nếu nhìn nhận xã hội như một bàn tay có ngón ngắn, ngón dài; có đàn ông, đàn bà; phụ nữ và trẻ nhỏ thì đương nhiên phải có NKT.

Có một câu chuyện nói rằng “Người ta đeo nhẫn đến bàn tay trái vì gần hơn với trái tim giàu cảm xúc, còn cầm bút bên tay phải vì bên đó gần bán cầu của lý trí”. Xin các nhà báo một lần, hãy cầm bút bằng trái tim nhân văn bên tay phải để đừng còn những câu từ vô tình khứa sâu hơn vào vết thương của những người yếu thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới