Do phải nộp phí vô lý khi qua trạm thu phí T2 - BOT quốc lộ 91 và 91B đặt sai vị trí, người dân đã phản ứng bằng nhiều cách như dùng tiền lẻ, dừng xe để phản đối… Tuy nhiên, những cách này chỉ mang tính chất tự phát, chưa được bảo đảm bằng một biện pháp pháp lý vững chắc. Theo chuyên gia, các chủ phương tiện tham gia giao thông qua đây có thể khởi kiện ra tòa nếu thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.
Có thể kiện hành chính?
Theo ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, việc trạm thu phí BOT T2 thu phí toàn tuyến (từ 35.000 đến 200.000 đồng) trong khi một số phương tiện chỉ sử dụng đoạn đường 300 m là ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ phương tiện (đúng ra họ chỉ phải trả 2.000 đồng). Lẽ ra việc thu phí phải phù hợp với nguyên tắc cung cầu là trả tiền theo dịch vụ sử dụng. Do đó, các chủ phương tiện bị thu phí toàn tuyến không hợp lý là những người bị thiệt hại trực tiếp từ việc thu phí của trạm BOT T2 có thể khởi kiện hành chính.
Tòa án sẽ xem xét các văn bản của cơ quan liên quan đến việc cấp phép, phê duyệt cho chủ đầu tư đặt trạm và thu phí BOT T2. Nếu quyết định phê duyệt đáp ứng yêu cầu của một quyết định hành chính (QĐHC), phù hợp với Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015, lúc này chủ đầu tư thực hiện việc thu phí sẽ là người liên quan trong vụ án.
Luật sư Nguyễn Quang Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Thời điểm xây dựng trạm thu phí BOT T2 thì Thông tư số 159 ngày 14-11-2013 của Bộ Tài chính đang có hiệu lực. Theo điểm a khoản 2 Điều 2 thông tư này thì: Đối với đường quốc lộ, phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và có quyết định thành lập trạm thu phí của bộ trưởng Bộ GTVT… Như vậy, thẩm quyền lập trạm thu phí thuộc về bộ trưởng Bộ GTVT. Các chủ phương tiện bị ảnh hưởng do trạm thu phí đặt sai vị trí có thể kiện quyết định thành lập trạm thu phí của bộ trưởng Bộ GTVT. Đây là một QĐHC cá biệt, là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính.
PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Phó Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM) thì cho rằng các chủ phương tiện bị thiệt hại có thể khởi kiện QĐHC hoặc hành vi hành chính của Bộ GTVT. Người khởi kiện phải chứng minh rằng Bộ GTVT đã có QĐHC hoặc hành vi hành chính sai phạm. Đó có thể là quyết định phê duyệt vị trí đặt trạm, hoặc hành vi thay mặt Nhà nước ký kết hợp đồng BOT với nhà đầu tư có điều khoản cho phép đặt trạm mà theo người khởi kiện là sai vị trí. Người khởi kiện không cần phải khiếu nại trước mà có thể khởi kiện trực tiếp theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 và Điều 115 Luật Tố tụng hành chính 2015.
Tuy nhiên, khó khăn là việc chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, đó là tìm ra được QĐHC hoặc hành vi hành chính của Bộ GTVT. Bởi người dân không thể có các chứng cứ trực tiếp, mà chỉ có thể chứng minh gián tiếp thông qua các cùi vé qua trạm và việc không sử dụng dịch vụ mà vẫn phải trả tiền.
Cảnh ùn ứ ở trạm T2 - BOT do các tài xế phản đối việc thu phí. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Kiện dân sự thì kiện ai?
Theo PGS-TS Nhung, cách đơn giản hơn là khởi kiện dân sự. Vì BOT là một hình thức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp đồng BOT là hợp đồng đầu tư được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng này thông qua điều khoản về kinh doanh và khai thác dự án giữa các bên. Nhưng kết quả đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của bên thứ ba là người tiêu dùng, những người không sử dụng dịch vụ đường bộ mà các bên trong hợp đồng đã cung cấp.
Kiện quyết định hành chính của Bộ GTVT Điều 39 và Điều 40 Nghị định 63/2018 của Chính phủ quy định nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án BOT sẽ ký kết hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền để làm dự án. Theo Luật Đầu tư 2014 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 63/2018 của Chính phủ thì cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương và ký kết hợp đồng đối với dự án BOT, xây dựng hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ GTVT. Như vậy, doanh nghiệp khai thác trạm thu phí BOT chỉ được đặt trạm thu phí, quyết định giá thu theo quyết định của Bộ GTVT tại hợp đồng dự án. Do đó, các chủ phương tiện tham gia giao thông bị thiệt hại có thể khởi kiện quyết định về việc xác định vị trí đặt trạm T2, mức phí thu của bộ trưởng Bộ GTVT bằng vụ án hành chính. Trước khi kiện, họ có thể khiếu nại Bộ GTVT về việc quy định mức phí, vị trí đặt trạm. LS-TS NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM NGÂN NGA ghi |
Theo đó, căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, BLTTDS 2015, BLDS thì Hiệp hội Vận tải có thể khởi kiện các chủ thể đã giao kết hợp đồng BOT đó để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Cụ thể là yêu cầu gỡ bỏ trạm thu phí đặt sai vị trí và chấm dứt việc thu phí không phù hợp để bảo vệ lợi ích công cộng. Việc chứng minh khi kiện dân sự đơn giản hơn vì người khởi kiện chỉ cần chứng minh lợi ích công cộng bị xâm phạm (việc đặt trạm thu phí sai vị trí dẫn đến việc không sử dụng dịch vụ đường bộ nhưng vẫn phải trả tiền). Người khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của các bị đơn là cơ quan nhà nước và chủ đầu tư về việc ra QĐHC hay thực hiện hành vi hành chính.
Trong khi đó, ThS Khanh thì cho rằng các chủ phương tiện cũng có thể khởi kiện vụ án dân sự chủ đầu tư thu phí BOT nếu thấy rằng mình bị thu phí sai và bị thiệt hại. Đây là tranh chấp giữa chủ phương tiện và chủ đầu tư thu phí BOT khi không thể thống nhất được mức phí. Dù chưa có tiền lệ nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS 201 thì tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng...
Về lâu dài, theo ThS Khanh, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ cần xem xét, ban hành các văn bản để làm rõ tính chất pháp lý, quy trình, thủ tục phê duyệt việc đặt trạm, thu phí đối với các trạm BOT. Từ đó có quy định hướng dẫn cụ thể để chủ phương tiện bị thiệt hại thực hiện các giải pháp pháp lý cần thiết (khiếu nại, khởi kiện...) nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi có sai phạm từ việc đặt trạm và thu phí BOT.
Bị phản ứng ngay từ khi lập trạm Từ khi mới thành lập (năm 2016), trạm thu phí T2 - BOT quốc lộ 91 và 91B đã bị dư luận phản ứng gay gắt bởi rất nhiều tài xế ô tô chỉ đi khoảng 300 m của dự án BOT nhưng phải mất tiền vé cho toàn tuyến. Trạm T2 lập ra là để thu phí hoàn vốn cho dự án tăng cường 15 km mặt đường quốc lộ 91B đoạn qua Cần Thơ theo hình thức BOT của liên doanh Sonadezi và Công ty Cường Thuận Idico. Nhưng thay vì đặt ở phía Cần Thơ, trạm thu phí T2 này lại đặt ở cuối quốc lộ 91, ngay sát nút giao của quốc lộ 80 từ Kiên Giang lên. Do vậy, xe đi từ quốc lộ 80 vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn trên tuyến nối với quốc lộ 91. Ở chiều ngược lại, xe từ TP.HCM qua phà Vàm Cống (bây giờ qua cầu Vàm Cống) hoặc xe ở An Giang muốn đi ra quốc lộ 80 để về Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT. Cuối năm 2017, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan kiểm tra, đánh giá để có đề án đặt trạm BOT T2 phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống. Ngày 19-5, cầu Vàm Cống chính thức thông xe và việc đặt trạm T2 tiếp tục bị tài xế phản ứng. NGÂN NGA |