Sở dĩ nói “một lần nữa” là bởi tại nghị trường Quốc hội cách nay đúng một năm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) khi tranh luận lại với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thẳng thắn nói: “Người dân không xin Nhà nước hoặc doanh nghiệp giảm phí khi qua trạm T2 BOT quốc lộ 91 (huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Có đi thì có trả, họ muốn đòi hỏi sự công bằng ở đây. Không chỉ riêng T2, những trạm BOT đặt không đúng chỗ đã và đang gây bức xúc cho người dân. Như vậy, bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào?”.
Khi đó Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp thu ý kiến và hứa sẽ rà soát một cách kỹ lưỡng tất cả phương án để có một giải pháp hợp lý. Nhưng một năm trôi qua, vẫn không có một phương án nào có thể giải quyết rốt ráo vấn đề T2. Trạm T2 vẫn ở đấy như một sự tồn tại bất hợp lý, thách thức dư luận.
Thủ tướng đã chỉ đạo
Trạm T2 bắt đầu nóng lên từ giữa năm 2017 khi bị các tài xế phản ứng, các hiệp hội vận tải địa phương kiến nghị, chính quyền các tỉnh lân cận cũng lên tiếng cần xem lại vị trí đặt trạm.
Đầu năm 2018, trong thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang, Thủ tướng kết luận: “Về việc di dời trạm thu giá sử dụng đường bộ T2 nằm trên quốc lộ 91: Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền”.
Bộ GTVT sau đó đã đề cập việc trước mắt xem xét miễn, giảm phí, bên cạnh đó tính toán để có đề xuất phương án di dời trạm T2 trên nguyên tắc khả thi, đảm bảo phương án tài chính dự án, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng. Và trong năm 2018, Bộ GTVT đã thực hiện miễn, giảm phí cho người dân quanh khu vực trạm với mức giảm 50%-100%. Đồng thời, chủ đầu tư được tăng thời gian thu phí từ hơn 22 năm lên 34 năm (nay đã thu ba năm).
Chính quyền các địa phương mong muốn những bất ổn của trạm T2 được giải quyết nhanh để không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Hai phương án vào… giờ chót
Trước những bức xúc kéo dài gần hai năm qua, đầu tháng 6-2019, ngay trước phiên chất vấn của Quốc hội dành cho bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ GTVT mới đưa ra hai phương án xử lý bất cập tại dự án trạm T2.
Theo đó, phương án 1: Mở rộng diện miễn, giảm giá vé qua trạm T2 cho phương tiện của người dân khu vực An Giang, Đồng Tháp quanh trạm thu phí với bán kính 8-10 km (như đang áp dụng với phương tiện của người dân Cần Thơ). Phương án 2: Tính toán có thể di dời trạm T2 lùi về phía cầu Vàm Cống khoảng 500 m (xe qua lại đoạn An Giang - cầu Vàm Cống không phải qua trạm thu phí T2).
Trả lời trên Pháp Luật TP.HCM ngày 4-6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ sẽ tính toán để lựa chọn phương án nào hợp lý nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên. “Cụ thể, phương án nào giải quyết được bất cập, nhận được sự đồng tình của người dân nhưng vẫn đảm bảo để chủ đầu tư thu hồi vốn, trả nợ sẽ được lựa chọn. Vì nếu doanh thu thu phí không đạt để trả nợ có thể đẩy doanh nghiệp vào khó khăn, khoản vay ngân hàng đầu tư dự án trở thành nợ xấu” - ông Nhật giải thích.
Chúng tôi chỉ chấp nhận trả theo quãng đường mình sử dụng. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị chỉ thu 5% của giá vé, nếu tính ra thì đúng số tiền 2.000 đồng cho 300 m đi trên quốc lộ 91. Nếu chủ đầu tư không đồng ý thì dành hai làn đi và về cho phương tiện đi vào cung đường Long Xuyên, Rạch Giá. Còn nếu không được nữa thì mấy ổng phải dời trạm đi chỗ khác. Ông NGUYỄN NGỌC XUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang Tôi đánh giá việc mở rộng quốc lộ 91 là cần thiết, song có sự bất cập về vị trí đặt trạm thu phí. Bộ GTVT cần tích cực nghiên cứu xử lý, nếu cần thiết phải di dời trạm. Ngoài ra, cần xem xét xác định phương tiện sử dụng dịch vụ bao nhiêu thì trả tiền bấy nhiêu. Không chấp nhận việc trả phí nhiều hơn hay ít hơn mức sử dụng dịch vụ. Những cá nhân, cơ quan nào đưa ra quyết định đặt sai vị trí phải chịu trách nhiệm, kể cả phải chịu chi phí di dời trạm. Đại biểu Quốc hội ĐÔN TUẤN PHONG (An Giang) Xét thấy việc các doanh nghiệp, tài xế tiếp tục phản ứng trạm thu phí BOT T2 sẽ gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm và khu vực lân cận, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kêu gọi, thu hút đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Nhằm ổn định an ninh, trật tự khu vực này và giúp tỉnh An Giang tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có giải pháp xử lý phù hợp đối với trạm thu phí T2 quốc lộ 91 trong thời gian sớm nhất. (Trích Công văn số 482 do ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ký gửi Bộ GTVT) |
phải có phương án hợp lòng dân
Theo TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế về ĐBSCL, cái gốc của vấn đề dẫn đến việc người dân phản ứng là việc trạm T2 đặt sai vị trí. “Đầu tiên, khoảng cách trạm T1 và T2 chỉ khoảng 34 km, trong khi theo quy định là khoảng cách giữa hai trạm phải trên 70 km, như vậy đã sai theo quy định về khoảng cách đặt trạm. Thứ hai là không thể có chuyện làm tuyến đường này rồi thu phí tại một tuyến đường khác. Sau khi báo chí phản ánh mới biết T2 là trạm thu phí hoàn vốn cho BOT quốc lộ 91B cách đó mấy chục cây số. Chưa hết, trạm thu phí đặt trọn trên một địa bàn nhưng lại ở vị trí cửa ngõ giao tiếp liên tỉnh và có tác động đến các địa phương lân cận nên không thể chỉ Cần Thơ có ý kiến, trong khi An Giang, Kiên Giang và thậm chí Đồng Tháp hoàn toàn không biết gì về việc này” - TS Hiệp nói.
Bình luận về hai phương án mà Bộ GTVT vừa đưa ra để giải quyết vấn đề của trạm T2, TS Hiệp cho rằng phương án đưa ra phải giải quyết được vấn đề gốc là trạm đặt sai vị trí và phải ưu tiên giải quyết cái gốc này là dời trạm. Còn không dời thì phải có lý giải cụ thể và thuyết phục mọi người.
“Theo tôi, phải nhìn vào lợi ích chung của dân, của xã hội chứ không chỉ nhìn vào lợi ích của nhà đầu tư. Không chỉ tài xế, chủ phương tiện phải trả chi phí bất hợp lý đâu mà người dân đang gánh chịu phí của T2, bởi lẽ hàng hóa thông thương qua trạm phải chịu phí bất hợp lý thì chi phí ấy sẽ tính vào túi tiền của người tiêu dùng. Mặt khác, chính quyền nơi đây cũng đang chịu gánh nặng, bởi với chi phí qua trạm bất hợp lý sẽ là rào cản các nhà đầu tư về địa phương đầu tư làm ăn khi phải gánh chịu thêm chi phí này” - ts Hiệp cho biết.
Cũng theo TS Hiệp, khi Bộ GTVT mời gọi, nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư chắc hẳn không thể không tham khảo các thông số về lưu lượng xe, về quy hoạch giao thông của các địa phương, về điều kiện kinh tế-xã hội của khu vực đầu tư và vùng phụ cận để từ đó xây dựng báo cáo tiền khả thi, tính toán tính khả thi phương án tài chính của dự án. “Nên nhớ đây là dự án kêu gọi đầu tư nên chẳng có chuyện ai ép ai, mà nhà đầu tư nhìn vào, tính toán cặn kẽ thiệt hơn bài toán kinh tế thì mới quyết định bỏ tiền ra làm và chả nhà đầu tư nào bỏ tiền ra để chịu lỗ” - TS Hiệp nhấn mạnh.
“Do vậy, ở đây không thể cứ chăm chăm nhìn vào chuyện lo “bể nồi cơm” của chủ đầu tư mà coi nhẹ quyền lợi của người dân và lợi ích của Nhà nước. Và không thể cứ gần hai năm qua chỉ chạy theo giải quyết phần ngọn và bỏ lơ đi cái gốc của vấn đề là T2 đặt nhầm chỗ. Đừng để T2 trở thành sự thách thức đối với dư luận!” - TS Hiệp nói.
- Chỉ một ngày sau khi cầu Vàm Cống vượt sông Hậu chính thức khánh thành (ngày 19-5), khu vực trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91 (thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) bắt đầu xuất hiện một số tài xế dừng xe phản đối, không đồng ý mua vé qua trạm. - Ngày 23-5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp với các sở GTVT TP Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc tại trạm thu phí T2. - Chiều 25-5, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư tiến hành xả trạm T2 trong vòng 10 ngày kể từ ngày 25-5. - Từ ngày 25 đến 27-5, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ IV tổ chức kiểm tra xác định lưu lượng phương tiện lưu thông trên phạm vi của dự án để có cơ sở tính toán miễn, giảm. - Ngày 3-6, Bộ GTVT chính thức đưa ra hai phương án giải quyết vướng mắc trạm T2. |