Khẩn trương tháo gỡ điểm nóng trạm T2

Ngày 24-5, tình hình giao thông tại khu vực trạm BOT T2 trên quốc lộ 91 thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ tiếp tục hỗn loạn do có nhiều tài xế cho xe vào chiếm giữ ở tất cả làn đường của trạm để phản đối việc thu phí. Quản lý trạm T2 phải liên tục xả trạm rồi lại thu phí, tình hình này tiếp diễn đến tận chiều cùng ngày...

Cứ 15 phút là tài xế tụ tập phản đối

Theo ghi nhận của PV, vào khoảng 9 giờ 30 sáng cùng ngày, một số tài xế bắt đầu điều khiển ô tô từ hướng An Giang đi Cần Thơ, khi đến trạm T2 không đồng ý mua vé mà đậu xe “cố thủ”.

Giải thích lý do không mua vé, tài xế Ngô Ngọc Lâm (quê An Giang) cho rằng trạm T2 đặt sai vị trí và yêu cầu di dời trạm, nếu không anh chỉ trả tiền đúng quãng đường mình đi. “Cầu Vàm Cống đâu có thu phí, vậy mà giờ tôi đi qua cầu, trạm bắt tôi trả 35.000 đồng là vô lý. Tôi đi 300 m thì tôi chỉ trả 2.000 đồng thôi” - anh Lâm nói.

Một số tài xế khác nói họ thống nhất với đề xuất của Sở GTVT tỉnh An Giang là trả tiền theo quãng đường sử dụng thực tế.

Do các tài xế chiếm giữ các làn thu phí nên giao thông khu vực trạm trở nên tắc nghẽn, hỗn loạn. Trước tình hình trên, quản lý trạm buộc phải xả trạm để giải tỏa ùn tắc, sau đó lại tổ chức thu phí. Theo ghi nhận của PV, cứ khoảng 15 phút là có các tài xế đến dừng xe phản đối, rồi trạm phải xả. Sự việc diễn ra liên tục đến tận buổi chiều mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có khá nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập tại khu vực trạm để xem. Cùng với tiếng còi xe ầm ĩ, tiếng hò reo của các tài xế mỗi lần xả trạm… đã tạo nên khung cảnh hỗn loạn.

Lực lượng Công an quận Thốt Nốt và Công an phường Thới Thuận đã được tăng cường nhưng chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và giải tỏa giao thông mỗi khi ùn tắc.

Tài xế Ngô Ngọc Lâm trả 2.000 đồng khi qua trạm T2 vì cho rằng mình chỉ đi 300 m trên quốc lộ 91. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Hỗn loạn giao thông tại trạm T2 chiều 24-5. Ảnh: HẢI DƯƠNG

An Giang kiến nghị chỉ thu 5% giá vé

Trước diễn biến tại trạm T2 càng lúc càng nóng, ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh An Giang, cho rằng giải pháp mà Sở GTVT tỉnh An Giang đã đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (TCĐB) Việt Nam ngày 23-5 là hợp lý. “Giải pháp của Sở đưa ra cũng giống như ba kiến nghị của hiệp hội đưa ra trước đó. Chúng tôi chỉ chấp nhận trả theo quãng đường mình sử dụng. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị chỉ thu 5% của giá vé mà TCĐB quy định, nếu tính ra thì đúng số tiền 2.000 đồng cho 300 m đi trên quốc lộ 91. Hiện có 7.500 xe chạy tuyến cố định được giảm 50% thì chúng tôi kiến nghị giảm xuống còn 5%. Nếu chủ đầu tư không đồng ý thì dành hai làn đi và về cho phương tiện đi vào cung đường Long Xuyên, Rạch Giá. Còn nếu không được nữa thì mấy ổng phải dời trạm đi chỗ khác” - ông Xuân nói.

Chiều cùng ngày, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết Sở đang cho ghi nhận các kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, sau đó tổng hợp, báo cáo TP Cần Thơ và TCĐB để có giải pháp kịp thời.

PV Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, tuy nhiên ông Khang nói đang họp trực tuyến với TCĐB nên không thể trả lời.

Khẩn trương xem xét miễn, giảm

Trong một diễn biến khác, chiều 24-5, TCĐB cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Cục Quản lý đường bộ IV và Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang về việc giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2.

Theo đó, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ sau khi thông xe cầu Vàm Cống, ngày 24-5, TCĐB đã tổ chức cuộc họp với Ban An toàn giao thông, Sở GTVT các tỉnh trên. Căn cứ các ý kiến tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng TCĐB Nguyễn Xuân Cường đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá cho các phương tiện đối với các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

TCĐB đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp khi đề xuất cần căn cứ phạm vi bán kính tối đa 10 km quanh trạm thu phí T2 theo hướng dẫn của Bộ GTVT (tại Văn bản số 11519/2017), mức giảm giá đối với các phương tiện đã được Bộ GTVT, TCĐB chấp thuận và hướng dẫn tương tự như đối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ. Đồng thời phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá. Thời gian đề nghị gửi văn bản cho TCĐB trước ngày 5-6.

Ngoài ra, TCĐB cũng đề nghị tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuyên truyền, vận động tài xế và người dân thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về an ninh, trật tự giao thông, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự, mất an toàn giao thông.

TCĐB còn đề nghị UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của địa phương rà soát các phương tiện thuộc diện được giảm giá và phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện giảm giá như phương án đã được duyệt.

Kiểm đếm xe qua trạm T2

TCĐB Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì, tổ chức kiểm tra xác định lưu lượng phương tiện lưu thông trên phạm vi của dự án. Cụ thể, kiểm tra để xác định cụ thể chủng loại phương tiện, lưu lượng phương tiện qua trong ngày tại các vị trí như nút giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91 và nút giao quốc lộ 80 lên cầu Vàm Cống. Thời gian kiểm tra trong ba ngày liên tục, từ ngày 25 đến 27-5. Mỗi ngày tổ chức kiểm tra, đếm xe 24/24 giờ. Báo cáo kết quả về TCĐB trong ngày 28-5. Được biết việc kiểm đếm này dùng làm cơ sở để tính toán mức miễn, giảm cho các phương tiện qua trạm T2 trong thời gian tới.

Năm 2018, để giải quyết bất cập về thu phí tại trạm T2, Bộ GTVT đã thực hiện miễn, giảm phí cho người dân quanh khu vực trạm với mức giảm 50%-100%. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để bất cập này sau khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, Bộ GTVT cho biết hiện đơn vị đã bố trí vốn xây dựng đường tránh Long Xuyên. Dự án này khánh thành sẽ giúp người dân lưu thông mà không mất phí. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm