Trạm Cai Lậy và bài toán BOT bị giải sai

Trạm đặt trước ngã ba (theo hướng từ Vĩnh Long lên) nên thu hai chiều với các dòng xe trên cả đoạn quốc lộ 1 dài 26,5 km và tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km.

Coi lại toàn bộ dự án gồm hai thành phần thì thấy “công thức” của nó là:

Trạm thu phí BOT Cai Lậy = Thu cho 26,5 km quốc lộ 1 + Thu cho tuyến tránh 12 km.

Thế nhưng trên bảng điện tử ở trạm thu phí, người dân chỉ thấy chạy hàng chữ “Trạm thu phí BOT Cai Lậy” và không có lời giải thích, làm rõ nào thêm. Chính vì thế nhiều tài xế, chủ xe đặt câu hỏi: “Tôi không đi trên tuyến đường tránh mới làm mà đi trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tại sao lại thu tiền của tôi?”.

Không chỉ trên bảng điện tử đặt trên cổng trạm mà cả trong cách trả lời của đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Tiền Giang và cả một số quan chức của ngành giao thông cũng không nói rõ công thức của bài toán trên. Vì vậy, dân có quyền đặt câu hỏi: Tại sao lại đặt trạm thu phí ngay “cổ họng”, ngã ba để tận thu, thu không đúng đối tượng, nói là thu cho tuyến tránh mà thu cho cả quốc lộ…?

Đó là cái sai, cái thiếu thứ nhất từ công tác truyền thông.

Cái sai, cái thiếu thứ hai là cả chủ đầu tư, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan đã không giải quyết thỏa đáng, hài hòa bài toán “ba lợi ích” cần có trong trạm thu phí BOT. Công thức đó là:

Trạm thu phí BOT Cai Lậy = Lợi ích Nhà nước + Lợi ích nhà đầu tư BOT + Lợi ích của người dân (lái xe, chủ xe, doanh nghiệp vận tải).

Ở đây, lợi ích của Nhà nước là sau một thời gian sẽ có được con đường để phát triển kinh tế-xã hội. Còn lợi ích của nhà đầu tư và người dân thì sao?

Theo dõi trên phương tiện thông tin hai tuần qua thấy rằng các quan chức có xu hướng bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư hơn là người dân. Cụ thể, ngày 14-8, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định với báo Pháp Luật TP.HCM rằng mức phí qua trạm Cai Lậy đã được sự thống nhất của các bộ, ngành nhằm đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư. “Trong trường hợp giảm phí tại trạm Cai Lậy xuống thấp thì Nhà nước phải có phương án kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư...” - ông Huyện nói.

Xem ra phát biểu của ông Huyện chỉ đề cập đến bài toán BOT chỉ với công thức Thu phí BOT = Mức thu + Thời gian thu mà quên phải giải quyết thỏa đáng, hài hòa đúng với công thức “ba lợi ích” nói trên.

Ở Trạm thu phí Cai Lậy rất dễ thấy lợi ích của người dân đang bị “ép và lép” trước lợi ích của nhà đầu tư BOT. Cụ thể, nhà đầu tư được thu ở mức cao (35.000 đồng cho 12 km trên tuyến tránh Cai Lậy, trong khi đi 40 km trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần đó chỉ là 40.000 đồng) và thu trong thời gian ngắn nhất (thu bốn năm sáu tháng thay vì phải là 10-20 năm như ở các công trình BOT khác).

Cũng cần nói thêm, cả tuyến tránh và quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy chỉ rộng 12 m, cho 1,5 làn xe ở mỗi chiều và dân chỉ được chạy 50-60 km/giờ. Trong khi trên cao tốc là hai làn xe chạy cho mỗi chiều, một làn dừng khẩn cấp và chạy với tốc độ từ 80-100 đến 120 km/giờ. Như vậy, dân chạy xe ở tuyến đường chất lượng thấp hơn mà phải trả phí cao hơn là bị… ép quá!

Rõ ràng khi nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước “giải” sai bài toán BOT (trên mặt truyền thông và kinh tế) thì người dân phản ứng là phải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm